Saturday, March 9, 2013

Ha Noi “kho xu” doanh nghiep nha nuoc

Hà Nội "khó xử" doanh nghiệp nhà nước

Hà Nội "khó xử" doanh nghiệp nhà nước

Báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển DN TP. Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại mà các DNNN Hà Nội cần phải khắc phục như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu so với các DN ngoài quốc doanh còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao. Bộ máy quản trị DN đã có sự chuyển biến nhưng chưa đồng đều, còn một vài DN vẫn mang tính hành chính.

Nợ khó đòi cao

Bức tranh DNNN tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2012 dường như kém tươi, khi doanh thu sụt giảm so với năm trước, trong khi nợ nần thêm chất chồng. Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN TP. Hà Nội trong một báo cáo mới công bố cho biết, tổng doanh thu thực hiện năm 2012 của các DNNN ước đạt 31.024 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch năm và nhưng chỉ tương đương 93,4% con số doanh thu của năm 2011.

Cũng theo nguồn tin trên, tại thời điểm 31/12/2012 tổng vốn Nhà nước tại 121 DNNN của Hà Nội ước đạt khoảng 17.979 tỷ đồng, bằng 117% so với năm 2011.

Nhưng, quan ngại nhất là tình hình tài chính của nhiều DN có biểu hiện "xấu đi". Do thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, các DN đã phải huy động lượng vốn khá lớn. Ban Đổi mới và Phát triển DN TP. Hà Nội cho rằng, việc huy động vốn vay lớn làm hiệu quả kinh doanh không cao do chi phí lãi vay lớn.

Cụ thể, tổng số nợ phải trả đến 31/12/2012 của các DNNN ước là 22.126 tỷ đồng, bằng 123% vốn nhà nước tại các DN. Các DN có số dư nợ quá hạn đến cuối năm 2012 ước khoảng 4.132 tỷ đồng. Đặc biệt, có DN số nợ quá hạn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Vấn đề chiếm dụng vốn lẫn nhau cũng không phải nhỏ. Tổng số dư nợ phải thu của các DNNN trên địa bàn đến 31/12/2012 khoảng 9.703 tỷ đồng, trong đó các khoản thu khó đòi là 1350 tỷ đồng, chiếm tới 13,91% tổng số nợ phải thu. Như vậy, công nợ khó đòi cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tổn thất và làm thất thoát vốn ở các DNNN.

Từ tình hình tài chính nêu trên, báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển DN TP. Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại mà các DNNN Hà Nội cần phải khắc phục như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu so với các DN ngoài quốc doanh còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao. Bộ máy quản trị DN đã có sự chuyển biến nhưng chưa đồng đều, còn một vài DN vẫn mang tính hành chính.

Ngoài ra, hàng hóa, sản phẩm của các DN sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được dẫn đến tồn kho lớn tại các DN xây dựng, công nghiệp…

Cổ phần hóa chậm

Có lẽ, tình hình tài chính "xấu đi" cũng ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa DNNN của Hà Nội. Liên quan đến tiến trình thoái vốn Nhà nước, trên địa bàn Hà Nội hiện có 5 tổng công ty Nhà nước gồm Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Vận tải Hà Nội, Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị, Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội, và Du lịch Hà Nội.

Tính đến cuối năm ngoái, 5 tổng công ty trên quản lý 127 DN và đơn vị thành viên với tổng vốn điều lệ khoảng 14.447 tỷ đồng. Hiện tại, các tổng công ty đã có đề án tái cơ cấu, gửi Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN TP. Hà Nội. Tuy nhiên, việc thực hiện, triển khai tái cơ cấu còn rất chậm.

Theo Ban Đổi mới và Phát triển DN TP. Hà Nội, ngày 19/4/2012, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình số 28/TTr-UBND đề nghị Chính phủ phê duyệt kế hoạch sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn Nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội giai đoạn 2012 - 2015. Tuy nhiên, đến ngày 29/12/2012, Chính phủ mới có văn bản số 2252/TTg-ĐMDN phê duyệt kế hoạch này.

Do vậy, năm 2012, Hà Nội chỉ triển khai việc sắp xếp, đổi mới được 2 DNNN, trong đó cổ phần hóa 1 DN là Công ty TNHH MTV 19/12 Hà Nội, và sáp nhập 1 DN là Công ty TNHH MTV Đầu tư dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội vào Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội.

Trước thực tế đó, UBND Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DNNN năm 2013. Theo đó, UBND TP. Hà Nội sẽ triển khai sắp xếp 30 DN và bộ phận DN (cổ phần hóa 16 DN và bộ phận DN, sắp xếp 14 DN). Cụ thể, Hà Nội sẽ bán 2 DN là cửa hàng Lương thực 60 Ngô Thì Nhậm và Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Hà Tây, thực hiện cổ phần hóa toàn bộ 7 DN và 9 bộ phận DN.

Thành phố cũng sẽ sáp nhập 1 DN và 7 đơn vị sự nghiệp, chuyển 1 DN sang đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt, Hà Nội sẽ cho 3 DN bị phá sản là Công ty Kỹ thuật Điện thông, Công ty sản xuất công nghiệp xây lắp trực thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và Công ty ăn uống dịch vụ du lịch Sóc Sơn…

Ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá, năm 2012 công tác cổ phần hóa không đạt yêu cầu mà thành phố đã đề ra. Do đó năm 2013, Hà Nội sẽ phải đẩy mạnh trong công tác đổi mới sắp xếp DN, nâng cao sức cạnh tranh. Ông Tưởng cũng chỉ đạo các tổng công ty và các DN hoàn thành báo cáo quyết toán thuế và báo cáo quyết toán tài chính năm 2012 gửi cục thuế, chi cục tài chính DN và các cơ quan chức năng theo quy định.

Các tổng công ty Nhà nước trực thuộc thành phố phải chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể công tác cổ phần hóa DN thành viên. Chủ động và thường xuyên phối hợp với Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN TP. Hà Nội để đôn đốc, chỉ đạo kiểm tra thực hiện cổ phần hóa các DN thành viên đảm bảo đúng tiến độ.

Các sở, ngành đôn đốc DN và các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện cổ phần hóa theo đúng quy định; giải quyết những tồn tại, vướng mắc và xử lý tài chính hậu cổ phần hóa DN. Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cũng yêu cầu Ban Đổi mới và Phát triển DN TP. Hà Nội hoàn chỉnh kế hoạch, phân công cho chính xác các đầu mối thực hiện; bổ sung việc thành lập Công ty kinh doanh vốn Nhà nước vào phần kế hoạch thực hiện.

Trường Sơn

thời báo ngân hàng

No comments:

Post a Comment