Sunday, March 17, 2013

Ha Noi

Hà Nội

Tôi lớn lên tại Hà Nội, ăn học cho đến khi mang chiếc ba lô vào quân ngũ. Chiến tranh kết thúc, tôi học nốt đại học rồi được đi học tập và làm việc nhiều nước khác nhau. Hà Nội trong tôi vẫn nguyên vẹn, "Không thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Hà Nội trong tôi là những gì rất tốt đẹp: giản dị, nhã nhặn, hiền hòa, gia giáo và chân thành.

Nay Hà Nội to lớn hơn (nghe nói Hà Nội nay là một trong vài thủ đô rộng nhất thế giới?). Nhưng những cái đó không làm sao xóa đi nỗi buồn trong tôi và bạn bè của tôi đối với Hà Nội sau cái Tết vừa rồi.

Trước hết là chuyện đi lại ngoài đường. Tôi ngạc nhiên vì sự lộn xộn và bất tuân luật lệ giao thông ở đây, đường nào cũng kẻ phân luồng ô tô, xe máy riêng biệt nhưng hầu như người ta không để ý đến chuyện này, đi bạt mạng, phóng bạt mạng. Có những lần tôi thấy mấy cậu choai choai xe chở ba chở bốn, chẳng thèm đội nón bảo hiểm vượt đèn đỏ, lạng lách kinh hồn, cười hô hố mà bên kia đường có hai cảnh sát giao thông đứng nhìn.

Thấy tôi ngạc nhiên, một ông trung niên bên cạnh buông một câu "chuyện thường ngày ở phố mà". Đi một đoạn nữa thấy một cô gái ăn mặc rất "mốt", vừa chạy xe vừa nghe điện thoại va vào một phụ nữ khá lớn tuổi đi xe đạp, người phụ nữ loạng choạng rồi té nhào, cô gái cũng mất tay lái, rơi điện thoại nhưng cô vẫn văng mấy câu "Đ. mẹ con mẹ già", những câu sau đó tôi không thể viết ra đây được.

Con đường vào Phủ Tây Hồ. Ảnh: T.L

Một chiều mưa bụi, tôi tìm về đơn vị cũ Quân y viện 354 trước kia ở ngay chân cột cờ nay chuyển về tận đường Đốc Ngữ, để tìm mấy người bạn bác sĩ một thời chiến đấu với nhau dưới làn bom B52. Con đường không có bảng cấm dừng, cấm đậu, đường cũng chẳng đông, tôi vừa hạ kính xe dừng lại hỏi đường thì bị ngay một cậu lái xe phía sau vượt lên thò đầu chửi rất to" Đ. mẹ, không biết đi xe à!". Tôi nhìn kỹ khuôn mặt cậu lái xe ấy chắc không bằng tuổi con trai út của tôi. Không tìm được bạn cũ lại bị chửi vô lý, lòng tôi buồn mênh mang.

Chiều thứ bảy, gọi mấy người bạn cũ rủ nhau ra quán bánh tôm Hồ Tây tìm lại cảm giác xưa. Cái quán nhỏ ngày nào nay lớn hơn nhiều, những "cô tấm" bây giờ trẻ, lộng lẫy và sắc sảo. Tìm được một cái bàn trống của đám "choai choai" vừa rút đi, chúng tôi ngồi xuống và nhờ một cô phục vụ dọn cái bàn, tất nhiên phải đợi. Một cô gái mắt xanh đi lại nhặt mấy cái ly dĩa thủy tinh rồi lùa tất cả các thứ còn lại trên bàn vào thùng rác, hai anh bạn của tôi bị văng cả nước bẩn vào người.

- Mấy dĩa ? Uống gì ?

- Cho các chú hai dĩa bánh tôm và chục lon bia Hà Nội cháu.

- Chờ chút.

Rồi cô quay đi. Chúng tôi ngồi nhìn nhau, riêng tôi nhắm mắt lại để tưởng tượng ra cái quán bánh tôm ngày xưa, từ cái bàn ghế cho đến người phục vụ. Bây giờ con gái Hà Nội khác ngày xưa quá. Cuối cùng thì hai dĩa bánh tôm, nước chấm và bia cũng được bưng ra, nhưng cái cách đặt xuống bàn thì chẳng nhẹ nhàng chút nào, một tô nước chấm đổ luôn ra bàn may tôi kịp đứng dậy. Cũng không một lời xin lỗi nhưng lại một câu văng ra từ miệng cô gái "mẹ nó, sao hôm nay hậu đậu thế!".

Chủ đã thế, một đám khách ngồi trước mặt bọn tôi gồm hai nam ba nữ vừa ăn uống vừa nói chuyện rất to. Một ông khách to béo, ăn mặc dáng vẻ sang trọng, khoác ba-đờ-xuy đen có khuôn mặt dài như một quả bom hạng nặng, vung tay múa chân nói chuyện gì đó nhưng đệm tứ tung, văng hết tục thì thôi, làm mấy bàn xung quanh quay lại nhìn, còn hai chị kia thì cười thật to.

Thấy tôi tỏ ra khó chịu, anh bạn tôi trấn an "Nếu ông còn muốn ở Hà Nội thì cần phải rèn luyện tính chịu đựng dần đi, Hà Nội ngày nay mà ông ơi".

Tôi kể chuyện này với vợ chồng nhạc sĩ Đức Long, anh nói: "Chú biết không, tôi là dân Hà Nội gốc, có hôm vợ chồng tôi vào một quán phở gọi hai tô, chờ mãi không được, cô dọn bàn đi qua, vợ mình hỏi "sao lâu vậy cháu", liền được một câu "đi mà bưng lấy". Rồi gọi xin dĩa rau thơm, lại nhận được câu mỉa mai "rau gì, để đi chợ đã nha". Tô phở hôm ấy có thêm vị đắng, đắng nghét!".

Tháng giêng, con tôi bảo: "Mai bố mẹ đi Phủ Tây Hồ lễ chùa đầu năm cho vui, ở đó giờ đẹp lắm". Hồi còn nhỏ tôi cũng có nghe đến Phủ Tây Hồ nhưng chưa đến thật, nghe con nói cũng có lý. Thực ra đây là ngôi đền truyền thuyết thờ Công chúa Liễu Hạnh, bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian do tội đánh vỡ chén bát của Thiên Đình. Con đường men theo làng Nhật Tân, Quảng Bá vào đền chật hẹp, hai xe ô tô khó tránh nhau. Hàng trăm quán xá, nhà hàng "ăn theo" và rất nhiều những người ngồi viết sớ và bói toán. Mỗi quán như thế lại có mấy người đứng ra giữa đường mời mọc níu kéo nên đường đã chật càng thêm khó đi. Chúng tôi ráng chen được vào phía gần đền thờ, người ta xô đẩy nhau, giành giật nhau để được vào thượng đền, không thiếu những tiếng chửi bới, than khóc vì bị mất cắp tiền và điện thoại di động.

Hôm về chùa Keo Thái Bình tôi cũng chứng kiến cảnh này rồi nên đành đứng ngoài nhìn. Mãi đến bây giờ tôi vẫn sợ cảnh bát nháo ấy!

Còn nhiều lắm, kể sao hết những chuyện buồn mênh mang. 

HOÀNG THẠCH

1 comment:

  1. Thuốc đặc trị bệnh mắt cá chân, vết chai cứng, mụn cóc xuất xứ Anh Quốc ( Click xem ) ... Vị trí thường gặp ở lưng bàn tay, cẳng tay, mặt cổ. Khi mụn cóc đã lây lan nhiều, http://dakhoaaua.vn/dot-laser-mun-coc-co-dau-khong-1729.html
    Hướng dẫn sử dụng thuốc Thuốc Trị Bệnh Mụn Cóc theo nhà sản xuất . Thuốc Thuốc Trị Bệnh Mụn Cóc có tác dụng chữa trị làm giảm các loại bệnh theo chỉ đình của đơn thuốc. http://dakhoaaua.vn/dot-mun-coc-bang-laser-bao-nhieu-tien-1730.html

    ReplyDelete