Sunday, March 17, 2013

Rut ngan thoi gian chay tau Ha Noi - TP.HCM: Can 1,8 ti USD

Rút ngắn thời gian chạy tàu Hà Nội - TP.HCM: Cần 1,8 tỉ USD

Nâng cấp đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 90 km/giờ

Tại cuộc họp thông qua báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu lập dự án đường sắt cao tốc các đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các công ty tư vấn thực hiện vào cuối tuần qua, nhiều phương án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam được đưa ra trong mối tương quan với sự phát triển đường sắt cao tốc.

Khả thi nhất về kinh tế

Kết quả nghiên cứu của các đơn vị tư vấn Nhật Bản đã đưa ra bốn kịch bản nâng cấp tuyến đường sắt dài 1.762km từ Hà Nội tới TP.HCM và kiến nghị nên thực hiện phương án cải tạo để chạy tàu khách đạt tốc độ bình quân 90 km/giờ, rút thời gian từ Hà Nội - TP.HCM còn hơn 25 giờ (hiện tại là 30 giờ) càng sớm càng tốt (phương án A2). Thực hiện phương án này vẫn giữ khổ đường đơn rộng 1m, ước tính chi phí đầu tư 1,8 tỉ USD và được xem khả thi nhất về kinh tế.

Với phương án nâng cấp đường sắt hiện tại lên đường đôi, khổ 1,435m để nâng tốc độ chạy tàu khách lên 150 km/giờ, tàu hàng 80 km/giờ (tàu chở container 120 km/giờ) với kinh phí ước tính 27,7 tỉ USD được phía tư vấn đề nghị không nên thực hiện. Đề nghị này được dựa trên tính toán về việc chuyển đổi đường sắt hiện tại sang khổ lồng và nâng cấp lên tốc độ tối đa 200 km/giờ sẽ gặp nhiều bất hợp lý.

Cụ thể, nếu nâng đường sắt hiện tại lên tốc độ chạy tàu tối đa 200 km/giờ bằng đường khổ lồng (chạy tàu khổ đường 1m và cả 1,435m) thì việc khai thác kết hợp tàu khách tốc độ cao trên đường 1,435m và tàu hàng trên đường 1m cũng không đạt được tốc độ cao. Nếu thực hiện chuyển đổi khổ lồng ở tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM thì đường sắt sẽ phải dừng hoạt động trong thời gian dài hơn nhiều.

Còn nâng cấp đường sắt hiện tại đạt tốc độ tối đa 200 km/giờ thì vẫn giữ đường sắt hiện tại để chạy tàu trong khi xây dựng đường 1,435m bên cạnh. Nếu tính cả hệ thống công trình điện, tín hiệu, đầu máy toa xe phải thay đổi để đạt tốc độ chạy tàu 200 km/giờ trên nền đường sắt cũ, JICA ước tính cần phải đầu tư khoảng 40 tỉ USD, gần như ngang với chi phí xây dựng một tuyến mới với tốc độ tương đương.

Quá trình nâng cấp này cũng cần tới 14-23 năm. Nếu thực hiện phương án này thì khó có thể điều chỉnh để trở thành hệ thống đường sắt cao tốc 300 km/giờ do chi phí xây dựng cao và thời gian xây dựng kéo dài. Bên cạnh đó, nếu nâng cấp đường sắt hiện tại lên tốc độ 200 km/giờ và khai thác cả tàu khách lẫn tàu hàng trên một tuyến cũng sẽ làm giảm tốc độ tàu khách, đồng thời gây nhiều khó khăn cho công tác bảo trì cũng như sắp xếp biểu đồ chạy tàu vì lịch chạy tàu dày đặc.

Chỉ xây mới đường sắt tốc độ cao

JICA đưa ra ba kịch bản xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam mới khổ 1,435m. Thứ nhất là xây dựng đường sắt cao tốc mới khổ 1,435m, tốc độ tối đa 320 km/giờ để vận chuyển khách. Thứ hai, xây dựng đường sắt cao tốc mới khổ 1,435m, tốc độ tối đa trên 200 km/giờ. Thứ ba, xây dựng đường sắt thường mới khổ 1,435m, vận chuyển cả hành khách và hàng hóa. Xây dựng tuyến đường sắt mới là cần thiết vì việc nâng cấp đường sắt hiện tại lên tốc độ cao hơn nữa sẽ gặp những khó khăn như đã phân tích ở trên. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia tư vấn Nhật Bản trong đoàn nghiên cứu của JICA, lượng hành khách trên hành lang Bắc - Nam sẽ tăng khoảng ba lần và lượng hàng hóa tăng 2,7 lần vào năm 2030 thì vận tải đường sắt không đáp ứng được nhu cầu nếu vẫn cải tạo đường sắt đơn hiện tại.

Tuy nhiên, với các phân tích về kết hợp chạy cả tàu khách và tàu hàng ở tốc độ tối đa 200 km/giờ, JICA cho rằng sẽ có nhiều vấn đề an toàn cần giải quyết, đồng thời vận tốc chạy tàu khách cũng giảm. Nếu duy trì vận tốc tối đa của đường sắt cao tốc trên 300 km/giờ thì tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM dài trên 1.500km mới có khả năng cạnh tranh được với hàng không. Nhưng do chi phí đầu tư đường sắt cao tốc quá lớn nên việc phát triển phải thực hiện theo giai đoạn, bắt đầu từ một số đoạn ưu tiên.

Việc phát triển toàn tuyến đường sắt cao tốc từ Bắc vào Nam chỉ phù hợp cho giai đoạn tới năm 2040 với giả định GDP của VN tăng trưởng trung bình 6%/năm thì thời điểm phù hợp đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc là sau năm 2050. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy chi phí đầu tư đường sắt cao tốc đầu tiên so với mức GDP tại thời điểm đầu tư ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chiếm 2-4%.

Mặc dù phương án xây mới đường sắt đôi khổ 1,435m, tốc độ 160-200 km/giờ không được đánh giá kỹ trong báo cáo so với phương án làm đường sắt cao tốc nhưng kết luận cuộc họp, Bộ GTVT chọn phương án này báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xin ý kiến về chủ trương phát triển. Còn với những nghiên cứu của JICA, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Tổng công ty Đường sắt VN tổ chức nghiệm thu báo cáo để JICA công bố độc lập về báo cáo này.

4 phương án cải tạo đường sắt Bắc - Nam hiện tại

- A1: Tổng công ty Đường sắt VN đang thực hiện để duy trì đủ độ an toàn cho kết cấu hạ tầng như cải tạo cầu yếu, hầm cũ, hệ thống thông tin tín hiệu, cải tạo đường ngang để đảm bảo tốc độ chạy tàu tối đa 90 km/giờ với tàu khách. Phương án này đang triển khai sẽ rút ngắn thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP.HCM còn 28 giờ (rút ngắn được 2 giờ so với hiện nay). Phương án này vẫn giữ đường đơn khổ 1m.

- A2: Thực hiện các nhóm biện pháp điều chỉnh hướng tuyến cho ba đoạn nút cổ chai chính nhiều đường cong và dốc như đèo Hải Vân, đèo Khe Nét, Hòa Duyệt - Thanh Luyện (Hà Tĩnh). Sau khi cải tạo sẽ đảm bảo 50 đoàn tàu hoạt động trên tuyến mỗi ngày, tốc độ chạy tàu khách bình quân 90 km/giờ, tàu hàng 60 km/giờ trên đường đơn khổ 1m. Thời gian chạy tàu Hà Nội - TP.HCM còn hơn 25 giờ. Tổng mức đầu tư ước tính 1,8 tỉ USD. Đây là phương án được Bộ GTVT đồng ý nghiên cứu.

- B1: Nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1,435m để chạy tàu khách 120 km/giờ, tàu hàng 70 km/giờ, thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến TP.HCM còn hơn 15 giờ. Phương án này sẽ cải tạo ba đoạn nút cổ chai chính bằng cách xây dựng đoạn tuyến bằng hầm, thay thế ray và tà vẹt, các đường ngang cùng mức sẽ đóng mở tự động để đảm bảo chạy tàu tốc độ cao hơn; đầu tư thêm đầu máy toa xe có khả năng vận hành tốt ở tốc độ chạy tàu 120 km/giờ để vận hành 116 đoàn tàu/ngày. Chi phí ước tính 14,5 tỉ USD.

- B2: Nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1,435m, tốc độ chạy tàu khách 150 km/giờ, tàu hàng 80 km/giờ (tàu chở container lên 120 km/giờ). Thực hiện phương án này phải sử dụng tàu động cơ điện với tàu khách và đầu máy động cơ điện với tàu hàng. Số tàu hoạt động trên tuyến là 122 tàu/ngày. Chi phí nâng cấp ước tính 27,7 tỉ USD.

No comments:

Post a Comment