Tuesday, June 11, 2013

Ha Noi ky niem 65 nam Ngay Bac Ho ra Loi keu goi thi dua ai quoc

Hà Nội kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã "hăng say lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm để chống giặc đói"; thi đua học tập xóa nạn mù chữ để chống giặc dốt và dũng cảm kiên cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Cùng với với đồng bào miền Bắc, đồng bào miền Nam thi đua giành nhiều thắng lợi trên các mặt trận chính trị, quân sự. Góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm này, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban Thi đua-Khen thưởng (Sở Nội vụ) và Nhà xuất bản Hà Nội đã phối hợp biên soạn, xuất bản ấn phẩm "Hà Nội-65 năm thi đua yêu nước". Qua cuốn sách này, các thế hệ người Hà Nội càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của Thăng Long-Hà Nội, ra sức phấn đấu, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như lời Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong ước. Dịp này, TP Hà Nội có 8 công trình hoàn thành và gắn biển với tổng trị giá gần 280 tỷ đồng, trong đó có nhiều công trình có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa-xã hội. Thành phố tổ chức biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến trong "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Hội đồng Thi đua-Khen thưởng thành phố tổ chức gặp mặt cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các thời kỳ.

* Kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2013), chiều 10- 6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư, Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư tổ chức hội thảo khoa học "Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay".

Hơn 50 ý kiến tham luận được trình bày và gửi đến hội thảo, khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản, một kho báu vô cùng quý giá về tư tưởng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, có một phần về thi đua yêu nước. Tư tưởng về thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thắm đượm truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa và niềm tự hào dân tộc. Bác chỉ ra: Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển đất nước và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày. Bác đã nâng quan niệm về thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị, coi thi đua là biểu hiện của lòng yêu nước, là cốt cách, phẩm chất đạo đức của người dân Việt Nam.

Các đại biểu đã tập trung làm sáng tỏ những nội dung mang tính lý luận và thực tiễn, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về vị trí, vai trò của các phong trào thi đua, từ đó tham gia tích cực vào các phong trào thi đua trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Từ những kết quả đạt được của các phong trào thi đua và những bất cập của các phong trào thi đua, các đại biểu đề xuất với Đảng và Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác thi đua - khen thưởng; các giải pháp đổi mới để công tác thi đua thiết thực hơn, các phong trào thi đua có nội dung tiêu chí cụ thể hơn, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của các ngành, các cấp; hình thức phát động phải đa dạng, phong phú để khuyến khích nhiều người tham gia hưởng ứng. Công tác tuyên truyền về thi đua yêu nước cần được tăng cường và đổi mới, qua đó biểu dương, tôn vinh người tốt, việc tốt. Các cấp, các ngành cần tiếp tục có những biện pháp xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến thông qua các phong trào thi đua.

No comments:

Post a Comment