Thursday, June 6, 2013

Ha Noi: Nguoi dan song thap thom ben canh cay xang

Hà Nội: Người dân sống thấp thỏm bên cạnh cây xăng

Thành phố Hà Nội hiện có gần 500 cây xăng, trong đó nhiều cây xăng nằm trên các tuyến phố, xen kẹt với khu dân cư. Đây thực sự là những quả "bom xăng" tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, hiểm họa khôn lường. Sau vụ hỏa hoạn ở cây xăng 2B trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) ngày 3/6 vừa qua, người dân sống cạnh những cây xăng càng thêm lo lắng, thấp thỏm về những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nằm ngay góc phố Giảng Võ - Nguyễn Thái Học, cây xăng trong khuôn viên bến xe Kim Mã cũ luôn tấp nập ô tô, xe máy ra vào mua xăng, thậm chí nhiều người cầm can, chai đến mua xăng dầu mang về...Nguy hiểm ở chỗ, ngay bên cạnh cây xăng, hàng chục hộ chuyên gia công, sản xuất và buôn bán các loại sắt thép, máy cắt, máy mài, máy hàn với những tia lửa bắn xa hàng chục mét và sẵn sàng gây cháy.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, nhà đối diện với cây xăng này cho biết: cây xăng nằm sát đường, lại gần các cửa hàng gia công cơ khí, hoạt động từ sáng đến tối, có hôm đến 10 giờ khuya, nếu có sơ ý làm bắn lửa sang thì không biết hậu quả sẽ đi đến đâu.

"Nguy cơ của cây xăng này đối với khu dân cư thì ai cũng thấy rồi. Hơn nữa cây xăng nằm ngay sát đường nên thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm. Để an toàn cho người dân sống bên cạnh, chúng tôi kiến nghị nên chuyển cây xăng ra chỗ khác…", ông Cường đề xuất.

Tại Hà Nội, những cây xăng tọa lạc ở các khu phố sầm uất, các khu dân đông đúc khá phổ biến, như trạm xăng số 276 phố Thụy Khuê, 179 phố Đê La Thành, 233 phố Khâm Thiên hay các trạm xăng trên đường La Thành, Đội Cấn, Tam Trinh, Tân Mai, Trần Hưng Đạo…Hầu hết các điểm bán xăng đều có diện tích nhỏ và chật chội, không đạt tiêu chuẩn quy định trong điều kiện cấp phép.

Do diện tích nhỏ, nên việc tổ chức phân luồng cho xe vào đổ xăng rất khó khăn. Bên cạnh đó ở một số cửa hàng, lối ra vào không được phân định rõ ràng nên thường xuyên xảy ra va chạm giữa các phương tiện. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao mà mùi xăng dầu còn ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người dân.

Trần Thị Kim Thanh, nhà ngay bên cạnh cây xăng trên đường Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết: "Do cây xăng nằm sát nhà dân chúng tôi, nên cứ vào mùa hanh khô là mùi xăng bốc lên nồng nặc, thổi vào nhà chúng tôi rất khó chịu. Hơn nữa, vì cây xăng có diện tích bé, nhiều khi khách đông phải đứng tràn xuống đường gây nên cảnh tắc đường vào những giờ cao điểm, nguy cơ xảy ra tai nạn và cháy nổ rất cao…".


Năm 2012, kiểm tra sơ bộ của cơ quan chức năng thì Hà Nội có tới 229 cây xăng vi phạm các quy định về điều kiện phòng chống cháy nổ. Năm 2013, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện thêm 28 cây xăng vi phạm về các điều kiện phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, các cây xăng vi phạm này chỉ bị nhắc nhở và xử phạt hành chính rồi cho qua.

Sau vụ cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, ông Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội thừa nhận: thời gian qua công tác quản lý phòng chống cháy nổ còn "lỏng lẻo", nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu vi phạm Luật phòng cháy cháy nổ nên đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ đáng tiếc. Giám đốc Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cũng cho biết, tới đây, Hà Nội sẽ tổng kiểm tra toàn bộ các cây xăng trên toàn thành phố, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các đơn vị kinh doanh xăng dầu; tăng cường kiểm tra, quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy.

"Thú thật là Luật phòng chống cháy nổ đã ra đời hơn 10 năm rồi, vừa qua Quốc hội cũng đang kiến nghị thảo luận để sửa đổi một số điều ở trong đó, để tiếp tục làm cho nghiêm túc hơn. Nhưng thực sự trong thời gian vừa qua, việc chấp hành và việc quản lý phòng cháy chữa cháy của chúng ta còn có những điều chưa được tốt, chỗ này chỗ kia còn buông lỏng, cho nên ý thức chấp hành của người dân còn chưa tốt. Tới đây chúng tôi tăng cường kiểm tra để nâng cao công tác quản lý của nhà nước về lĩnh vực này… ", ông Nguyễn Đức Nghi cho biết thêm.

Hà Nội đã và đang tiến hành di dời các cây xăng ra khỏi khu dân cư nhưng việc di dời diễn ra rất chậm. Theo lộ trình tới năm 2015 và năm 2020, sẽ có hơn 100 cửa hàng xăng dầu trong nội đô phải xóa bỏ, giải tỏa và di dời, cũng như nâng cấp cải tạo. Lộ trình đặt ra như vậy nhưng thời gian để thực hiện không phải ngày một ngày hai. Hơn thế, dù vi phạm điều kiện về phòng chống cháy nổ, các cây xăng vẫn tồn tại và họ chỉ bị nhắc nhở và xử phạt hành chính rồi cho qua. Đó là những nguy hiểm đang rình rập.

Chừng nào những "quả bom xăng" chưa được di dời đến nơi an toàn, chừng ấy người dân còn sống trong thấp thỏm, lo âu. Sau vụ cháy nổ vừa qua ở cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, người dân càng thêm bức xúc và đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra tổng thể, có phương án di dời các cây xăng mất an toàn càng sớm càng tốt.

No comments:

Post a Comment