Friday, November 23, 2012

Toi van bam Ha Noi du khong duoc nhap ho khau

Tôi vẫn bám Hà Nội dù không được nhập hộ khẩu

Nếu tôi có việc làm tốt ở Hà Nội, thậm chí thu nhập gấp nhiều lần ở quê, thì tôi vẫn cứ ở lại đây, chẳng phải hộ khẩu Hà Nội làm gì cho phiền.

Việc hạn chế người nhập cư tại Hà Nội đáng lẽ ra phải nghĩ và làm từ cách đây ít nhất là 10 năm. Bây giờ thực hiện thì đã có phần muộn. Hà Nội giờ đây cái gì cũng quá tải: trường học, bệnh viện và đặc biệt là hệ thống giao thông...

Tuy nhiên, đưa ra luật hạn chế người nhập cư đấy mới chỉ giải quyết được "phần ngọn", còn "cái gốc" thì chưa giải quyết được. (Xem thêm: ) Vấn đề ở đây là tại sao dân ngoại tỉnh lại muốn đến sinh sống ở Hà Nội?

Nếu có việc làm ổn định ngay chính quê nhà mình, chẳng ai còn muốn tha phương mưu sinh. Ảnh: Hoàng Hà

Có thể đưa ra nhiều lý do, nhưng chủ yếu vẫn là mưu sinh thôi. Nếu ai đó có công ăn việc làm, thu nhập ổn định ở ngay chính quê hương mình thì họ có muốn phải xa rời gia đình, họ hàng và bạn bè không? Chắc chắn là không.

Vậy nên phải có những chính sách phát triển kinh tế ở các tỉnh. Xây dựng nhiều nhà máy, công ty để giải quyết nhu cầu lao động ngay tại địa phương, như vậy họ sẽ không phải ra Hà Nội tìm việc nữa. Sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có nhiều cơ hội để làm việc và đóng góp cho sự phát triển của quê hương mình.

Như vậy, chẳng cần hạn chế bằng luật mà theo nhu cầu phát triển tự nhiên của xã hội cũng đã giảm thiểu được lượng nhập cư rất nhiều rồi.

Nếu không nhìn được và giải quyết cái gốc của vấn đề thì đừng nói một luật, có đưa ra 10 luật hạn chế, người ta vẫn cứ ra rồi bám trụ lại.

Có hộ khẩu Hà Nội thì hơn được gì? Nếu để tiện cho con cái đi học thì chỉ cần đóng tiền trái tuyến là xong, cùng lắm là học trường dân lập. Còn để khám chữa bệnh hay những chuyện khác thì có hộ khẩu Hà Nội hay không cũng chẳng là vấn đề.

Thế nên, nếu tôi có việc làm tốt ở Hà Nội, thậm chí thu nhập gấp nhiều lần ở quê, thì tôi vẫn cứ ở Hà Nội, chẳng phải hộ khẩu Hà Nội làm gì cho phiền.

Những người ở Hà Nội đều biết, cứ đến chiều 30 và mùng 1 Tết năm nào cũng vậy, đường phố Hà Nội vắng lặng, bình yên. Tại sao? Chắc là tất cả đều có câu trả lời.

Mong rằng các nhà quản lý sẽ có những quyết sách đúng đắn, mà đặc biệt là phải đi trước sự phát triển của xã hội, chứ không phải cái kiểu nghĩ tới đâu làm tới đó, "mất bò mới lo làm chuồng", như vậy dân mới bớt khổ, xã hội mới văn minh được.

Hải San

No comments:

Post a Comment