Tuesday, January 22, 2013

Ha Noi: Nang chat doi ngu hay bat luc?

Hà Nội: Nâng chất đội ngũ hay bất lực?

- Trước quyết định Hà Nội 'nói không' với tại chức, dân lập - một luồng ý kiến cho đây là một động thái thể hiện sự bất lực của Thủ đô trong việc quản lý thi tuyển công chức.

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Không tuyển thì... dừng đào tạo

Trước hàng loạt địa phương nói không với tại chức, dân lập - nhiều độc giả nêu bất cập: Cơ quan Nhà nước thì liên tục nói "không" với tại chức, dân lập. Nhưng Bộ GD-ĐT vẫn "bật đèn xanh" cho đủ các loại hình đào tạo. Các trường vẫn thoải mái tuyển sinh SV dân lập, tại chức để làm nguồn thu, lợi nhuận cho trường - còn sản phẩm ra trường thì nhà tuyển dụng quay lưng. Vậy ai sẽ xử lí khi mà SV tham gia vào hệ thống dân lập phải đóng phí 100%?

Độc giả Nguyễn Mai góp ý: "Tôi nghĩ khi Chính phủ cho mở trường dân lập mà không cho người học thi vào công chức nhà nước thì phải có thông báo rõ ràng cho dân biết. Các hệ đào tạo công, dân lập, vừa học vừa làm, liên thông đều phải được đối xử công bằng theo đúng luật quy định".

Một bạn đọc khác có cùng quan điểm: "Thế thì cho mở các trường dân lập làm gì, mở ra rồi đào tạo nhưng lại không cho họ có cơ hội làm việc. Đâu cứ phải sinh viên tốt nghiệp trường dân lập là học dốt đâu, và cũng đâu phải sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy là giỏi. Sao không kiểm tra năng lực của họ mà bây giờ vẫn cứ dựa vào bằng cấp như thế?".

Bạn đọc Nguyễn Trang phản đối mạnh mẽ quyết định này của lãnh đạo Hà Nội. Chị đặt một câu hỏi: "Thử hỏi bằng này có khác gì "bằng giả", không được phép lưu hành không?"

"Lãnh đạo Thủ Đô mà còn ra quyết định thề này thì nên khuyên con cố gắng luyện thi ĐH, dù rớt 2 - 3 năm cũng phải vào ĐH công lập thôi" – một độc giả tỏ ra thất vọng.

Nhiều ý kiến tỏ ra thất vọng và kinh ngạc với quan điểm của các lãnh đạo Hà Nội. Có độc giả còn "mạnh miệng" cho rằng "Hà Nội đang giẫm vào vết xe đổ của Đà Nẵng ". Anh Phạm Việt nhận xét: "UBND Hà Nội có quyết định như vậy - chứng tỏ năng lực, phẩm chất của những người làm công tác nhân sự ở Thủ đô có nhiều bất cập và yếu kém".

Tạo công bằng trong thi tuyển

Thi tuyển công bằng và nghiêm túc là phương án được nhiều độc giả lựa chọn và đề xuất để giải quyết vấn đề lựa chọn công chức đủ điều kiện, thay vì "không quản được thì cấm" như quyết định này của UBND TP Hà Nội.

"Nên tổ chức thi tuyển thật bài bản, thay vì căn cứ vào một cái bằng đã được cấp. Hà Nội là Nhà nước chứ không phải là doanh nghiệp" – bạn đọc Võ Văn Sự nói.

"Nếu anh tổ chức thi tuyển nghiêm túc và công bằng thì lo gì mà không tuyển được người giỏi và có năng lực! Cần gì phải quy định tiêu chuẩn nộp đơn thi công chức là phải chính quy và công lập".

Có ý kiến của những người từng học cả chính quy lẫn tại chức, của giảng viên tiếp xúc với cả sinh viên (SV) công lập lẫn dân lập cũng cho rằng: Việc chặn cơ hội của những SV thuộc diện này là vô lý và không công bằng.

Theo độc giả Nguyễn Văn Muôn: "Tôi là giảng viên dạy cả 2 hệ chính quy và không chính quy của các hệ công lập và ngoài công lập. Trong số SV thuộc không chính quy không ít những em chăm học, năng lực tư duy rất tốt. Ngược lại, những em thuộc hệ chính quy cũng không ít những em lười học, năng lực tư duy kém. Tuy số tiết học của số SV hệ không chính quy thường ít hơn hệ chính quy (tùy từng môn học), song lượng thông tin và kiến thức lý thuyết đều được giảng viên chúng tôi truyền đạt đầy đủ, có thể nói là như nhau".

"Theo tôi chất lượng cán bộ tốt hay kém là nằm tại khâu tuyển người làm việc và huấn luyện làm việc chứ không phải do hình thức đào tạo. Việc nói không với dân lập là một sự không công bằng, dễ xảy ra những hệ lụy xấu và làm mất người tài" – độc giả Muôn băn khoăn.

Một bạn đọc khác đồng quan điểm: "Tôi là công chức Nhà nước, có 2 bằng ĐH (1 chính quy, 1 tại chức), hiện đang làm việc theo chuyên môn là học chính quy. Tôi thấy cơ quan tôi, một số người trình độ trung cấp, nhưng năng lực làm việc còn tốt hơn nhiều so với ĐH chính quy". Do vậy, chính quy chưa chắc đã giỏi hơn dân lập...

Cũng có những ý kiến cho rằng trong khi xã hội ngày càng phát triển, nên cổ vũ việc học tập dưới mọi hình thức thì những quyết định như thế này sẽ làm hạn chế khát khao, mong muốn học tập của các em.

"Hãy hướng đến sự công bằng và chất lượng chứ không nên cắm rào cản. Và nên đưa ra hình thức thi tuyển công bằng, người giỏi thực sự sẽ là người đạt, không phân biệt...." - nhiều độc giả đề xuất

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment