Saturday, June 2, 2012

Tranh cãi về việc xây dựng Km 0 tại Hà Nội

Đề xuất xây dựng “Hà Nội - Km 0” bị đánh giá là tương đối nhạy cảm và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

Theo “chuẩn” nào?

“Chủ nhân” của ý tưởng này, PGS Hà Đình Đức giải thích: “Tôi đưa ra ý tưởng ban đầu từ cách đây hơn 3 năm. Nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010, vì tôi nghĩ cần xác định một điểm gốc, nhất là với Hà Nội mở rộng hiện nay.

GS.TS Nguyễn Lân Ý tưởng đó đã ấp ủ trong tôi từ rất lâu và ngày 1/1/2009 tôi đã có tờ trình lên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị xây dựng ’Tháp Km 0’ để kỷ niệm Đại lễ. Đây là tọa độ gốc của Hà Nội, là nơi xuất phát các con đường toả đi mọi miền của đất nước và cũng là nơi tứ phương hội tụ.

Trong dịp Đại lễ, có lẽ do quá nhiều việc phải làm nên thành phố chưa thực hiện, nay tôi lại một lần nữa đề nghị và đã có ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo. Tôi hy vọng lần này TP sẽ thực hiện”.

Một số người lo ngại, xây dựng Km 0, nếu không cẩn trọng có thể gây “hiệu ứng phụ”, vô tình làm phá vỡ cảnh quan văn hóa linh thiêng của Hà Nội. Tuy nhiên, PGS Đức trấn an: “Thực tế, công trình này không lớn, chỉ một vài mét vuông, độ cao dưới 1m hoặc có thể chỉ hơi nhô lên mặt đất vài chục cm tuỳ theo thiết kế được phê duyệt. Do đó, chắc chắn không phá vỡ cảnh quan”.

PGS Đức nói thêm: “Một số người nhận định, xây dựng Km 0 là không cần thiết, ’ném tiền qua cửa sổ’ nhưng theo quan điểm của tôi, kinh phí chắc không nhiều và sẽ không có chuyện gây lãng phí.

Tôi tin rằng, nếu dự án này thực hiện sẽ là điểm nhấn về văn hóa của không gian Văn hóa Hồ Gươm, đồng thời là điểm đến của bất kỳ người nào đến thăm Hà Nội, thăm Hồ Gươm”.

KTS Nguyễn Thúc Hoàng, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Ngày xưa, các nước hay đánh số km từ một điểm trung tâm của nơi này đến nơi khác để tính khoảng cách.

Nơi thì họ đặt trước tòa thị chính (như Hoa Kỳ đặt Km 0 trước Nhà Trắng), nước Pháp lại đặt Km 0 trước nhà thờ Đức Bà Paris... Sau này khi xã hội phát triển, các nước lấy mốc từ bưu điện này đến bưu điện khác vì có liên quan đến chuyển thư, bưu phẩm để tính cước, lệ phí vận tải...

Việt Nam chúng ta cũng theo tập quán này. Cấu trúc Km 0 cũng mỗi nước một khác, không giống nhau và không có tiêu chuẩn nào cho Km 0 cả”.

KTS Nguyễn Thúc Hoàng nhận định, đặt Km 0 ở bờ hồ không có gì phải bàn, nhưng nếu lấy xa bưu điện thì không hay. Thực tế trước kia, bưu điện Hà Nội hiện đã có tháp Hòa Phong, không có không gian, hai bên đều đã có công trình ken cứng.

“Theo tôi, điểm trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ là khả dĩ, vừa có không gian rộng, vừa gần bưu điện, giáp với UBND thành phố Hà Nội. Đặt ở đó không ảnh hưởng gì tới cảnh quan mà còn tạo thêm sự cuốn hút du khách của khu vực tượng đài”, KTS Hoàng nói.

Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng kiến nghị, về cấu trúc Km 0, nên làm đơn giản kiểu của Pháp. Có thể chỉ bằng một tấm đồng hình tròn (hoặc vuông) có khắc biểu trưng, để ai đến đều có thể bước lên chụp ảnh, chiêm ngưỡng thích thú mà không chiếm không gian.

Lẫn lộn kiến trúc cổ kim?

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, không ít người lo ngại, việc xây dựng Km 0 là không cần thiết, “ném tiền qua cửa sổ”, thậm chí phá vỡ cảnh quan xung quanh bờ Hồ. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu việc xây Km 0 chỉ mang ý nghĩa định hướng giao thông thì không cần thiết và lãng phí.

Vì từ trước tới nay, theo như truyền thống của các nước trên thế giới, người ta vẫn ngầm hiểu cột mốc Km 0 của Việt Nam là Bưu điện Hà Nội. Hơn nữa, việc xác định cột mốc Km 0 cũng chỉ mang tính chất tương đối, không thể chính xác tuyệt đối được.

GS. TS Nguyễn Lân, tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, nói: “Km 0 theo ngầm hiểu của nhiều người dân Thủ đô từ xưa tới nay là Bưu điện Hà Nội. Nếu như bây giờ có ý tưởng về một tháp Km 0, theo tôi không thực sự cần thiết vì chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Riêng cá nhân tôi không ủng hộ ý tưởng này. Vấn đề tiền nong không quan trọng mà chủ yếu là phải xem việc làm này có thật cần thiết cho Thủ đô không. Hơn nữa, xét ở phương diện có sự ảnh hưởng đến địa lí, tâm linh hay không cũng là vấn đề cần nghiên cứu thận trọng.

PGS Hà Đình Đình Đức 

Nói chung, cảnh quan ở khu vực Hồ Gươm đã khá ổn định, nay dựng lên một cái cột Km 0, hình trụ vuông vắn bốn mặt, thuộc loại kiến trúc hiện đại, như thế vừa chen chúc, vừa khiến cho không gian càng thêm chật chội. Và, cảnh quan sẽ không hài hòa khi công trình mang tính hiện đại đặt bên các công trình cổ, chẳng khác gì một ca khúc tân cổ giao duyên”.

Dưới góc độ văn hóa, PGS.TS Lê Qúy Đức, viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển Việt Nam cho rằng, chúng ta nên xây biểu tượng hơn là đưa cột mốc thực. Nếu đặt một cột mốc ở Hồ Hoàn Kiếm, vốn là trung tâm hẹp tập trung rất nhiều cơ sở, văn hóa của thành phố sẽ không hợp lý.

“Theo tôi, không thể đặt thêm một công trình hiện đại nào xen vào đó được. Khu vực Hồ Gươm không chỉ mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa mà kiến trúc, không gian, môi trường cũng đều có ý nghĩa rất quan trọng. Đưa một cột mốc Km 0 vào khu vực đó, sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và tâm linh của thành phố”, PGS Lê Quý Đức nói.

Cũng theo PGS.TS Lê Quý Đức, nói là cột mốc Km 0 cũng không đúng mà nói là một biểu tượng cho trung tâm của thành phố sẽ đúng hơn. Đưa một cột mốc chỉ mang tính chất ước lệ đặt vào vị trí quan trọng của Thủ đô sẽ hơi vô duyên. Đó là chưa kể đến việc, nguyên vật liệu xây dựng bằng đá quý có thể gây tốn kém thêm cho nhân dân.

Vài tỷ đồng, số tiền đó có thể trùng tu hàng loạt di tích khác ở nội và ngoại thành. Mặt khác, chúng ta chưa tính đến tiến độ đo đạc, thi công là bao lâu, trong khi “bao nhiêu ngày, thì bấy nhiêu công sức và tiền của” đổ vào. Đấy chính là khó khăn lớn mà khó ai có thể lường trước được”.

Được biết, theo tính toán của một cán bộ của Cục Đo đạc Bản đồ, định lượng riêng về kỹ thuật đo đạc đã tốn khoảng 100 triệu, còn phần thiết kế, xây dưng phải mất khoảng vài tỷ đồng. Với số tiền đó thì nhiều ý kiến cho rằng có thể trùng tu được nhiều khu di tích lịch sử cho Hà Nội còn hơn là đem số tiền lớn vào một việc không mấy ý nghĩa.


Theo Nguoiduatin

No comments:

Post a Comment