Tuesday, December 18, 2012

Ha Noi hom nay

Hà Nội hôm nay

Trải qua hàng ngàn năm, lịch sử nhân loại đã đúc kết nên rất nhiều đặc thù, với ý nghĩa là những đặc thù đó đủ sức đương đầu với thử thách trong mọi hoàn cảnh để trở thành bản sắc riêng biệt không trộn lẫn... Nhưng có lẽ, cái đặc thù dễ nhận thấy nhất, đó là: Tất cả những nền văn minh vĩ đại đều có những kinh đô - thủ đôtương xứng với tầm vóc, vị thế của nó.

Vị thế "ngũ linh"...

Để bắt đầu, chúng ta hãy đi từ huyền thoại. Trong tổng số trên/ dưới một ngàn thành phố đã từng, hoặc đang là kinh đô/ thủ đô (từ đây gọi chung là thủ đô) của một quốc gia, (số lượng các thủ đô có những huyền thoại - lịch sử đẹp như tranh vẽ, xúc động như một áng thơ, chỉ có vài ba chục địa danh)

Bangkok, theo tiếng Thái là "thành phố của các thiên thần". Paris với lịch sử được hóa thành huyền thoại là "kinh đô Ánh sáng". Roma là "thành phố vĩnh cửu" hay "thành phố tình yêu". Jérusalem có nghĩa là "thành phố hòa bình"... Hà Nội là một trong những thủ đô như thế.

Khó có thể nói hết cảm xúc của những huyền tích như thăng long, hoàn trả kiếm - chỉ năm chữ, rồi bốn chữ Thăng Long, Hoàn Kiếm mà đủ để lột tả thực, nhận chân được cái vị thế của cao sang, thanh lịch; cái thư thái của nhân nghĩa, an bình của một kinh đô ngay trong những năm đầu thống nhất quốc gia.

Có phải vì thế không mà trong trái tim, tình cảm của hàng triệu người Việt, mỗi lần nghe những câu hát như Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời; Hà Nội mùa Thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ; Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng; Em nghe chăng, vang vọng giữa Ba Đình... đều thấy trào dâng sự xúc động khó tả của tình yêu, tha thiết, tự hào?

Đất nước Việt Nam là đất nước nghìn năm dựng nước, giữ nước, can trường và kiêu hãnh. Chính vì thế, đến lượt nó, lịch sử lại thăng hoa gấp bội vẻ đẹp của Hà Nội bằng rất nhiều những chiến công hiển hách, gắn liền với những vị anh hùng dân tộc nổi tiếng...

Bên cạnh đó, cái vị thế ngũ linh của đất đai, sông nước thì chắc chắn chẳng thủ đô nào có được: Ở giữa là Hà Nội, bốn phía là Hà Đông, Hà Tây, Hà Nam, Hà Bắc(!) Người Trung Hoa giàu chữ nghĩa đến vậy mà bốn tỉnh phía Nam của thủ đô họ gọi là Hà Bắc, Hà Nam (bắc và nam Hoàng Hà), Hồ Bắc, Hồ Nam (bắc và nam hồ Động Đình), còn hai bên Bắc Kinh (Hà Bắc) là Sơn Đông, Sơn Tây.

Ông cha ta thật tài tình trong cách gọi nghĩa, dụng từ. Nhưng đây lại là một trong những khiếm khuyết buồn của Hà Nội thời nay...

Tháp Rùa Hà Nội

"Người tình" phụ bạc...

Cái title trên rất có thể gây sốc nhưng, xin bạn đọc chớ vội muộn phiền...

Tôi lại phải kể một câu chuyện có thật.

Năm 2010, tôi hướng dẫn 80 sinh viên ngành Đông phương học và Lịch sử ra tham quan Hà Nội. Hẳn ai cũng đoán ra, trước khi đi, tôi... "ca" Hà Nội lên đến tận chín tầng mây, theo đúng cách nghĩ và hiểu về Hà Nội của những năm 70 của thế kỷ trước(!). Tám mươi SV mặt ngời ngời hạnh phúc, chờ đón, ước mơ.

Sau khi qua trạm kiểm soát giao thông đầu tiên, hai chiếc xe dừng ở một khu đất trống, bên đường là mấy cái lò gạch để hỏi đường. Vừa dừng quãng mươi phút, hai chiếc xe máy trờ đến, đòi lệ phí đậu trước... lò gạch mỗi xe 200.000 đồng(?)

Cãi cọ, rồi... gạch đá, rồi mã tấu đe dọa, dẫu biết nếu gọi công an thì sẽ khỏi nộp phạt, nhưng cuối cùng thầy trò chúng tôi vẫn phải bỏ ra hai trăm ngàn cho hai xe mới được nổ máy.

Tiền mất không nhiều, nhưng chắc chắn cái mất không thể bù đắp nổi là sự nặng nề, ngỡ ngàng của tâm lý gần trăm SV, trước cái tàn nhẫn, vô lý đã "cướp đi" tất cả mọi điều tốt đẹp về Hà Nội được cộng hưởng trong mọi ánh nhìn trách móc về phía... thầy(!)

Ngày về, chủ nhà trọ nói có hai tấm drap bị cháy do tàn thuốc nên bắt đền mỗi tấm 200 nghìn đồng. Tôi nói, phòng toàn nữ, không hút thuốc, drap cháy đâu? Trả lời, đem giặt rồi, không trả không đi, đừng đem công an ra dọa... Rút cục, thầy trò lại... thua.

Đó mới chỉ là hai chuyện đầu và cuối chứ còn hàng trăm chuyện khác, mỗi em góp một ít kể trên đường về thì nhiều lắm... Tất nhiên, mỗi khi ai đó kể một câu chuyện, lại có tiếng chêm vào "Rứa mà thầy khen Hà Nội tuyệt vời".

Đau nhất là có một cô sinh viên vừa cười vừa nói với tôi (nửa đùa nửa thật) rằng, "Chắc thời sinh viên thầy có mối tình với Hà Nội đẹp lắm, bi chừ, bị phụ bạc rồi thầy ơi"!..

Kể cho hết cái sai, cái dở về văn hóa của Hà Nội thì không biết bao nhiêu cho đủ.

Chỉ riêng việc "làm mới" cho các di tích cổ dịp Đại lễ 1.000 Thăng Long- Hà Nội năm đã... vô khối rồi.

Xin ví dụ, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng nhà "có con gái lấy chồng cần quét vôi nhà cửa". Nói thế chứng tỏ không hiểu thế nào là "đồ cổ", hoặc "cổ kính". Cách đây mấy năm, Việt Nam có đem hàng ngàn món đồ cổ trục vớt được từ tàu đắm ở Bình Thuận sang nhờ hãng Christie's bán đấu giá.

Hãng đó yêu cầu các vỏ ốc, vỏ sò bám trên những bình sứ, đĩa bát sứ phải để nguyên trạng, vì có thế mới là đồ cổ. Còn nếu xóa đi những vết tích cổ thì sẽ bị nghi là đồ giả, chẳng ai thèm quan tâm nữa. Liệu các nhà "văn hóa học" có biết điều này không? Áo mới cho căn nhà mình đang ở không có nghĩa đồng nghĩa với cái "áo mới" kệch cỡm, nhiêu khê, tức tưởi của những tháp nước, chùa chiền...

Cái đẹp và cái quý của những di tích cổ là sự rêu phong, là cái vẻ ngoài cũ mốc của di tích chứ không phải là phấn son tô trét. Nếu cứ "tư duy" như lãnh đạo văn hóa Hà Nội thì người Ý đã bỏ tiền ra để xây lại một nửa Đấu trường Colisée đổ nát rồi! Tại sao người ta không làm mới, không "hoàn thiện" nó?...

Hà Nội đẹp sao nổi khi năm 2011, cứ bốn ngày lại xảy ra ba vụ trọng án (Người Đưa Tin, 28.12.2011). Khi việc giải quyết các vụ việc khiếu nại tăng 89% so với năm ngoái - bức xúc đến mức ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải than rằng khiếu kiện đông người làm xấu đi hình ảnh Thủ đô (VnExpress, 28.9.2012).

Hà Nội đang phải đối mặt với thực tế rằng trong số 15 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu Nghị quyết HĐNDTP giao cho năm 2012, có năm chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu đạt, còn 10 chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội - tức gần 70% chưa đạt (Tuổi trẻ, 3/12)...

Cái gốc để ...cất cánh

Giải pháp đầu tiên là điều ai cũng dễ thấy, dễ biết nhưng lại là điều khó thực hiện nhất: Giáo dục.

Muốn biện minh cách nào đi nữa thì cũng buộc phải thừa nhận rằng cách giáo dục như xưa nay vẫn làm là giáo điều và kém hiệu quả. Những bài học gần gũi, thực tế từ lời ăn, tiếng nói đến cử chỉ, trang phục, ứng xử phải được đồng bộ hóa ở cả nhà trường - gia đình - xã hội.

Chẳng hạn, nếu coi chuyện ăn nói tục tằn của "ai đó" ngoài đường là lẽ đương nhiên thì chẳng thể nào bắt trẻ không nói tục. Hoặc, không thể bắt trẻ tự hào, kiêu hãnh vì mình là người Thủ đô - chẳng thơm cũng thể hoa nhài, nếu người lớn nói một đằng, làm... một nẻo.

Nếu tất cả mọi chuyện mà cán bộ, trí thức tự nêu gương đi trước dân, thật sự gương mẫu (thông qua vận động cứ không phải cấm đoán, phân biệt) thì người dân sẽ làm theo.

Chính vì thế, sự nghiêm cẩn của luật pháp nhất thiết phải được coi là nền tảng của xu hướng vận động đến tính tự giác. Giả sử, nói tục ở trường, ăn mặc lố lăng, vất rác bừa bãi, vi phạm luật giao thông... phải bị trừng phạt nặng thì nhất định sự thiếu văn hóa sẽ giảm bớt.

Tại sao chúng ta cứ kêu gọi sống tốt trong khi sự xuống cấp trầm trọng đòi hỏi phải trừng phạt kiên quyết mọi hành vi phản văn hóa, nhằm cưỡng chế dục vọng ngay từ lúc mới manh nha?

Luật Thủ đô đã có nhưng "khu phố văn hóa", "gia đình văn hóa" bình chọn là chuyện... khôi hài.

Văn hóa phải có, sống động, trưởng thành từ trong máu thịt giống như "thuở xưa", khi tôi từ Vinh ra Hà Nội, nhìn thấy đoàn người xếp hàng rồng rắn chờ mua báo Nhân Dân, Lao Động mà thấy thật ngỡ ngàng, cảm phục. Chính Hà Nội đã làm mất đi không thương tiếc nền tảng văn hóa người Thủ đô thầm lặng mà đầy xúc động của hiểu biết và thanh lịch.

Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước. Nhưng thật đáng buồn, hiện nay, người Hà Nội hình như đã "quên" mất điều đó? Một trong những lạm dụng chua xót của người Việt là thích lạm dụng sự "thậm xưng".

Không ít thành phố ở nước ta, trong đó có Hà Nội tự xưng là "trung tâm" mà hình như quên rằng đã là trung tâm thì phải phát sáng, phải là đầu tàu, phải định hướngcho những nơi không phải là trung tâm.

Chính vì những nguyên tắc trên nên việc Hà Nội - tức là người Thủ đô mà cứ liên tục ban hành các văn bản thiếu khả thi, sai lầm, "tạm hoãn" thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nguyên tắc của trung tâm văn hóa. Định hướng như vậy làm sao cả nước theo, làm sao cho cả nước tự hào?

Xin bảo đảm rằng nếu biết tham khảo, huy động trí tuệ của các cố vấn tài giỏi, nếu gạt bỏ được nhóm lợi ích, nếu quan chức bớt đi những kẻ kém tài, thiển cận, tham lam thì mới mong mỏi thấy ngày trở lại của mặt Hồ Gươm vẫn lung linh như ngày xưa, hơn ngày xưa...

Văn hóa không thể được sinh ra từ sự... luận suy. Chẳng hạn, làm sao có thể khẳng định đến năm 2013, Hà Nội không còn băng nhóm. Đến năm 2015 học sinh không còn chán sử; trong khi lại khẳng định rằng mãi đến hết năm 2013 mới chấm dứt được vấn nạn gà nhập lậu(?)

Không ai không biết việc loại trừ băng nhóm khỏi một thành phố đông dân cư, nhiều nguồn, ngành nghề phức tạp, chênh lệch giàu nghèo quá lớn, mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp phá sản..., luôn luôn là điều bất khả thi.

Là công dân, ai chẳng có niềm tự hào về quê hương, đất nước, kiêu hãnh về Thủ đô yêu quý của mình. Thật là xót xa khi thấy Hà Nội để bay mất đi nhiều đến thế cái hương văn hóa "thanh lịch" dịu ngọt, đắm say.

Có lẽ, Hà Nội nên tự nhắc chính mình rằng, Luật Thủ đô mới chỉ là phác họa bằng bút chì. Để có được một bức tranh đẹp, phải tốn nhiều công sức, thời gian, và, nhất là, phải biết đưa vào đó cả tâm hồn, hiểu biết của văn hóa Hà Nội...

No comments:

Post a Comment