Monday, December 31, 2012

Ha Noi; Tao chuyen bien ky luat, ky cuong hanh chinh

Hà Nội; Tạo chuyển biến kỷ luật, kỷ cương hành chính

Ông Trần Huy Sáng. Ảnh: VGP/ Liên Phương

Ông Trần Huy Sáng Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi về những giải pháp, kế hoạch của TP Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm siết chặt kỷ cương quản lý.

Vì sao Hà Nội lại chọn năm 2013 là "Năm kỷ cương hành chính", thưa ông?

Ông Trần Huy Sáng: Năm 2013 được lãnh đạo TP xác định là "Năm kỷ cương hành chính" và áp dụng các biện pháp nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây cũng là năm bản lề của kế hoạch cải cách hành chính của TP Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015. TP tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường tính công khai, minh bạch, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân.

TP tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Trong đầu năm 2013, TP sẽ thực hiện xong việc lắp camera tại các "bộ phận một cửa". Bên cạnh đó, TP sẽ triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình khung "cơ quan điện tử" tại các quận, huyện Long Biên, Tây Hồ, Từ Liêm, Thạch Thất, Chương Mỹ để nhân rộng ra toàn TP.

Năm 2012 là năm đầu tiên Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức điều tra xã hội học để đánh giá, nhận xét về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi giải quyết các TTHC  ở các cơ quan của TP Hà Nội. Ông có thể cho biết về kết quả điều tra xã hội học này?

Ông Trần Huy Sáng: TP tổ chức điều tra xã hội học  về vấn đề này theo 02 đợt. Đợt 1 được thực hiện trong tháng 7/2012, chúng tôi phát phiếu khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân trong quá trình giải quyết TTHC ngay tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các đơn vị. Kết quả thu được như sau: việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các TTHC được đánh giá cao (đạt 80%); 88,6% ý kiến cho rằng giải quyết TTHC đã đúng hẹn; 87,6% ý kiến ghi nhận khả năng tiếp nhận hồ sơ nhanh, không sai sót. Về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức có tới 93% ý kiến cho rằng đã nắm vững về quy trình, nghiệp vụ.

Tuy nhiên mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết TTHC chỉ đạt 53,3%. Đây là một kết quả chưa cao, nhưng nếu so sánh với mức độ hài lòng của cuộc điều tra được thực hiện cách đây 5 năm (2007) với mức độ hài lòng chỉ là 17,4%, thì đây là kết quả tích cực đạt được trong quá trình thực hiện CCTTHC những năm qua.

Kết thúc đợt 1,để nắm rõ hơn chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên, TP quyết định tổ chức đợt điều tra xã hội học thứ 2 tập trung vào cán bộ, công chức của 5 sở "nhạy cảm" (Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Xây dựng), là đầu mối giải quyết công việc liên quan đến dự án đầu tư, ngân sách, đến nhu cầu hàng ngày của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đã bắt đầu triển khai và sẽ phát 1.000 phiếu cho cuộc điều tra này. Phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán sẽ hoàn tất đợt điều tra.

Phiếu điều tra sẽ tập trung làm rõ những vấn đề gì và vào những đối tượng nào,  thưa ông?

Ông Trần Huy Sáng: Điều tra lần này tập trung vào thái độ, trách nhiệm, năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức; mối quan hệ công việc liên thông giữa cấp quận, huyện với cấp sở. Trong phiếu lấy ý kiến, chúng tôi có 4 câu hỏi : Cán bộ, công chức (cấp sở) đã hướng dẫn cán bộ, công chức làm đầu mối liên thông giải quyết TTHC (cấp quận, huyện) rõ ràng và đầy đủ chưa? Hướng dẫn không đầy đủ, phải làm lại nhiều lần? Có hiện tượng nhũng nhiễu tiêu cực hay không? Về năng lực và trình độ chuyên môn cũng đánh giá theo 4 cấp: tốt - khá - trung bình - yếu.

Về kết quả giải quyết TTHC chúng tôi có 3 câu hỏi: trả trước thời hạn - trả đúng hạn và trả chậm.

Về đối tượng điều tra, chúng tôi tập trung phát phiếu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp quận, huyện, thị xã; trưởng, phó phòng chuyên môn trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo quận, huyện về các lĩnh vực thuộc 5 sở nêu trên và Ban quản lý dự án của các quận, huyện. Ngoài ra, đối tượng lấy ý kiến điều tra còn là lãnh đạo một số ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Hà Nội.

Một trong sáu nhiệm vụ của công cuộc cải cách hành chính là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Công tác cán bộ của Hà Nội hiện nay đang có chất lượng ra sao, thưa ông?

Ông Trần Huy Sáng: Ngày 18/10/2011, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 08/CTr-TU về việc: "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015", đã khẳng định TP quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, các ngành có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Quyết tâm đó được thể hiện bằng nhiều biện pháp cụ thể như: rà soát, đánh giá, phân loại đối tượng, chất lượng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp. Tăng cường đào tạo nâng cao phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp hành chính. Từng bước nâng cao mức thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức  khi tiếp xúc với tổ chức và công dân.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP, Sở Nội vụ đang tham mưu với UBND TP sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao, quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Hiện nay, UBND TP đã phê duyệt Đề án "Thí điểm mở lớp đào tạo 1.000 công chức nguồn của TP giai đoạn 2012 - 2015", trong đó, yêu cầu về trình độ chuyên môn khi tuyển vào lớp nguồn phải cao hơn so với tuyển dụng vào công chức TP qua thi tuyển hàng năm.   

Tổ chức điều tra xã hội học về mức độ hài lòng đối với cán bộ, công chức cũng là một "kênh" giúp chúng tôi sàng lọc cán bộ. Đây là một việc làm rất cần thiết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong công tác cán bộ, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu… theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng ta đã đề ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Liên Phương (thực hiện)

No comments:

Post a Comment