Saturday, February 16, 2013

Ha Noi co nga tu quoc te

Hà Nội có ngã tư quốc tế


(Thethaovanhoa.vn) - Một ghi chép vẻ như rất lộn xộn, chuyện cũ, chuyện mới, chuyện người, chuyện phố…, hóa ra lại rất đời về một phố ẩm thực nổi tiếng của đất kinh kỳ xưa.

Tôi đã nghe tả về Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến nửa thế kỷ trước qua lời kể của NSƯT Khánh Hợi - nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất Việt Nam còn sống và các con bà, trong đó có danh ca Lệ Quyên, định cư ở Pháp từ 1989. Đúng dịp này, Lệ Quyên về hát 3 đêm tại Hà Nội. Cô nhớ phố xưa, nhà cũ, cùng hai anh trai (định cư tại California, Hoa Kỳ) về thăm lại. Đi tìm Hà Nội trong lòng Hà Nội. Tình yêu Hà Nội, cụ thể, thân thương khi dồn vào phố ký ức. Đoàn tụ đông đủ một gia đình còn khó khi 8 anh em Lệ Quyên sống ở 4 quốc gia, huống hồ gặp lại hàng xóm, người quen. Người phố cổ bán nhà vì nhiều lý do, chủ yếu là nhân khẩu tăng lên, phải bán để chia phần cho các thành viên ở riêng, chật chội làm sao tụ cư mãi được.

Người Pháp kiến trúc phố Hà Nội, đặt số theo nguyên tắc lẻ bên trái, chẵn bên phải, đầu phố ở gần sông. Mang tên Hà Nội từ 1838, thành Thăng Long còn có tên Nhĩ Hà, phố ở trong sông, sông Hồng cũng như "vành tai" bao quanh Hà Nội. Dân gian gọi chệch thành "Nhị Hà" như "Tạ Hiện" thành "Tạ Hiền", "Tố Tịch" thành "Tô Tịch".

Tạ Hiện mang ánh sáng kinh thành xuyên qua thế kỷ, thứ ánh sáng mà những người có dịp gắn bó, hưởng du hay một lần được biết, sẽ nhớ như một hình dung tiêu biểu của chốn ăn chơi kinh kỳ Kẻ Chợ, thứ ánh sáng một phần "hắt" lên mang theo qua chuyến tàu hỏa chạy đêm từ Hà Nội qua ga xép Cẩm Giàng mà chị em Liên - An trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam khao khát.

Vài năm trở lại đây, Tạ Hiện nổi tiếng là "ngã tư quốc tế", nơi khách du lịch đủ màu da, quốc tịch sau một ngày rong ruổi khám phá Hà Nội, chiều tối quay về đây nhấm nháp bia Phố cổ (loại bia được gọi vui là "trà đá có ga", giá chỉ 5 ngàn đồng một vại), ăn các loại đồ ăn nhanh và ngôi lâu đến bao giờ chán thì thôi. Người bán hàng có thể nói tiếng Anh, tiền Việt tiền đô thứ nào tiêu cũng được.

Tạ Hiện vốn ngắn và nhỏ trong 36 phố phường, không biết có phải khi xưa thuộc huyện Thọ Xương ("Canh gà Thọ Xương" trong ca dao) mà dân phố này hay du khách qua đây có thể thức "thâu đêm suốt sáng". Đây chính là một trong các bối cảnh của phim truyền hình 30 tập Trò đời của nữ đạo diễn Nhuệ Giang (Hãng phim Truyền hình Việt Nam và Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam hợp tác sản xuất) sẽ ra mắt vào tháng 10/2013, nhân 101 năm sinh Vũ Trọng Phụng. Kịch bản phim chuyển thể từ 4 kiệt tác của Vũ Trọng Phụng: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ nên không khí Hà Nội những năm 1930-1945 sẽ được tái hiện. Trong phim này, người phố cổ Nguyễn Hữu Tuấn là Giám đốc hình ảnh. Diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Hà Nội Lê Thiện Tùng tái hiện hình ảnh nhà văn họ Vũ đóng vai thằng ở để viết Cơm thầy cơm cô, quay ở Tạ Hiện.

Người Pháp kiến trúc, đặt tên phố Tạ Hiện (Rue de Réraud) cắt ngang Lương Ngọc Quyến (Rue de Galet) mà hai phía là Hàng Buồm (Rue de Voiles) đầu phố và Hàng Bạc (Rue des Changeurs). Sở dĩ đây là chốn ăn chơi bậc nhất kinh thành vì đầu thế kỷ 20, một loạt rạp hát, quán tiệm ăn đêm lừng danh của Hà thành đều ở khu vực này, nay chỉ còn dấu tích sau mấy vụ cháy, thay đổi. Người ta từng gọi đoạn phố là Quảng Lạc, vì rạp hát mang tên này. Anh ruột NSND Sỹ Tiến là kép Hoa Ngân nức tiếng, được mệnh danh là "ông tướng Quảng Lạc". Lại có ngõ trong phố gọi là ngõ Sầm Công. Một địa hạt không lớn mà có nhiều rạp hát, thì là chốn tiêu xài bậc nhất Hà thành, hội tụ nhiều tiệm ăn, quán xá, các gia đình nghệ sĩ.

Tạ Hiện trước sau nửa thế kỷ trước đã là phố quốc tế. Cùng Hàng Buồm, Hàng Giày, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện có nhiều gia đình người Hoa sinh sống. Họ bán phở, bánh bao, màn thầu, quẩy nóng, cơ man là món ngon đặc trưng của người Hoa. Các món ngon nhất Hà Nội thuở ấy đều tụ ở đây. Nổi trội là: chim quay, gà tần, cá bỏ lò, súp lươn. Rồi những biến cố đổi thay, người Hoa đi, nếp cũ mai một, mất mát. Vẻ "vang bóng một thời" còn trong cường độ ánh sáng rực rỡ quanh năm, độ náo nhiệt xưa người Hoa, người Ấn Độ, Nhật Bản, người Pháp thì nay đủ các quốc tịch. Các biển hiệu, những lời chào mời giao dịch tiếng Anh ở đây chả khác phố Tây Đề Thám, Phạm Ngũ Lão ở TP.HCM.

Phố Tây Tạ Hiện có gần chục nhà trưng biển "Tourist, Travel", kèm theo đấy tất nhiên là bán vé máy bay, cho thuê xe đạp, xe máy, băng đĩa, phim, ca nhạc đủ loại, các thứ tiếng. Phố nhỏ mà la liệt biển hiệu. Mà biển lại rất dài, như cửa hàng số 24: "Chè thập cẩm Sài Gòn lâu năm, đầu tiên ở Hà Nội". Gặp nhiều kiểu quảng cáo "khẳng định" này, thường ít tin, sau lần gặp hàng hạt dẻ rang ngay góc phố Hàng Rươi - Hàng Lược, nay vẫn tồn tại: "A đây rồi, hạt dẻ Trùng Khánh chính hiệu!" mà toàn bán hạt dẻ Tàu. Phố ít số nhà, do số tới 4-5 nhà liên tiếp, chẳng hạn số 39 và 24. Bởi đây là số đẹp, nên người ta nhân thành A, B, C, D và chính quyền phường cũng "cưng" phố buôn bán lâu đời này mà "chiều" sự mê tín ấy.

Phố chứa ngõ. Ngõ Hài Tượng giữa mấy nhà số 24, có đình Hài Tượng thờ các vị tổ nghề thuộc da. Chủ Nhà máy da Thụy Khuê là ông nội và cha của NSND Nguyễn Hữu Tuấn (quay phim), Nguyễn Hữu Bảo (nhiếp ảnh) ở bên 48 Hàng Đào. Nhà 29 cuối đoạn phố này giao với Lương Ngọc Quyến, lại phô-mai que, nem chua, hai món chính ở Tạ Hiện mới, thay cho bồ câu quay của Tạ Hiện xưa. Láo xáo giọng Thanh Hóa hỏi: "Lấy dầu hay lấy mở?" (mỡ), rồi tiếng quát: "Nhanh lên, đừng lói nhiều?". Âm ngọng nói rát tai xe cộ. Trời lạnh, mưa phùn tối 19/12, một số nhà đóng cửa sớm vì vắng khách. Hôm nay, ta nhiều hơn Tây. Thường xuyên "Tây" là chính. Ngồi chật, quần soóc, may ô mùa Hè hay phong phanh túm tụm bên nhau có vẻ ấm hơn. Nhằm nhò gì, rét 15 độ hay 10 độ chẳng ăn thua khi đã chịu quen lạnh độ âm.

Mấy hiệu đề Hanoi cuisine mời ẩm thực gì của Hà Nội truyền thống cho Tây, ngoài sở trường, nem, phở, chả cá, bún chả. Nhà 29B chẳng còn cà phê Nuôi, thay vào đó cho thuê xe máy, xe đạp (hẳn nhiên viết bằng tiếng Anh). Nhà có mặt tiền rộng tam giác 2 mặt phố, số 27, vừa làm du lịch, vừa bán đồ ăn, trưng biển Green Pepper bắt đầu đoạn phố Tạ Hiện đẹp nhất sau hơn 1 năm chỉnh trang nhờ đầu tư gần 15 tỷ đồng của UBND TP.Hà Nội và TP.Toulouse (Pháp). Tường sơn vàng, cửa sổ xanh, kiến trúc đồng bộ về chiều cao và kiểu dáng. Nền phố lát gạch kẻ ô, tưởng tượng như những phố cổ Paris lát đá đen nhẵn bóng xưa. Cùng nhà hàng Mỹ Kinh ở 52 Lương Ngọc Quyến (nay không còn, như rạp Đông Đô chiếu phim ở 20 Lương Ngọc Quyến sau thành rạp cải lương Kim Phụng và giờ là sàn nhảy bình dân), đoạn phố Tạ Hiện được trùng tu, từng có 2 nhà hàng Trung Hoa lừng danh Tiểu Lạc Viên và Tân Lạc Viên. Tiểu Lạc Viên nay là số nhà 18 Tạ Hiện, biển Kebab Haus 1, 2, 3. Trước nhà hàng tấp nập, giờ cửa hàng rất hay đóng cửa. Chếch sang dãy lẻ, Tân Lạc Viên nay là số nhà 17 bán phô-mai que. Liên tiếp 4 số nhà 11, 15 (Suxu), 17, 19 Tạ Hiện đều bán món này. Ăn thử, mỗi người một que, như đứa trẻ. Tôi ăn liền 3 que, cho hợp "mốt". 6.000 đồng/que thôi mà. Được quảng bá là chế từ phô-mai Mozzarella, một loại phô-mai có tiếng của Ý, nhưng ai mà kiểm chứng độ bảo đảm khi giá chỉ 6.000 đồng và bán suốt ngày đêm? Người chấm tương ớt. Người "trét' tương cà chuakhiến cây phô-mai thành… que kẹo mút màu đỏ, nóng bỏng lưỡi. Chim cút nướng 25.000 đồng/đôi, ăn qua cũng "tốn" một đôi, không thì ngon miệng cũng làm cả đĩa. Chắc đến nửa tấn chim cút ngốn vào phố này một ngày không chừng. Rồi phở cuốn, nem phùng, bánh mì que, thứ bánh mì dài nhỏ kẹp pa-tê vẫn thấy ở Hải Phòng, thêm que xiên, kiểu năng động này phục vụ khách bát phố.

Loạt nhà số 8 cũng là số nhà nổi tiếng. Số nhà 8A, là nhà nghệ sĩ cải lương Tùng Ngọc mất từ lâu, con gái ông là NSƯT Phương Khanh (diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội đã về hưu) và con út là saxophone Trần Mạnh Tuấn. Tuấn đã vào TP.HCM sống từ tháng 7/2000. Nhà cũ có biển "Công ty Vàng bạc trang sức đá quý Thắng Liên" - Liên là chị gái Trần Mạnh Tuấn. Số 8B là rạp Kim Lan xưa, nay thuộc quyền sử dụng của Nhà hát Kịch Hà Nội, khi xây lại rạp ở 42 Tràng Tiền, các nghệ sĩ kịch Hà Nội về đây, nhưng nay gần như chẳng hoạt động gì ở rạp cũ này.

Đi gần hết phố, giật mình trước biển hiệu "Hương Lan - mua bán tóc dài". Đã nghe nói có người đi rong hỏi mua tóc dài, nay mới thấy cửa hàng, mà chẳng thấy bóng ai. Tôi thoáng nhìn đồng hồ, đã gần nửa đêm. Phố đã bớt đèn, Tạ Hiện - ngã tư quốc tế, không có cột đèn giao thông, không có đèn vàng để báo sắp dừng. Phố như chuyến tàu siêu việt chạy không ngừng nghỉ, chuyến tàu vui buồn, chuyến tàu hào quang và bóng tối, đủ đầy và thiếu vắng, chật chội và ngổn ngang, giản dị và phức hợp.

Tạ Hiện không có đèn vàng. Có thể bỏ hết đồng hồ, quên nhìn giờ khi hòa điệu nhịp sống, tiết tấu phố ở đây. Một cảm giác không ranh giới, quên biên giới.

ViLi; Ảnh: Breakaway
Thể thao Văn hóa Cuối tuần

No comments:

Post a Comment