Saturday, February 16, 2013

Tro chuyen voi nha bao Nguyen Ngoc Tien ve Ha Noi

Trò chuyện với nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến về Hà Nội

Người đi dọc, đi ngang Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến mở đầu với nghề văn nhưng lại gắn bó nhiều nhất với nghề báo. Có lẽ đó là cái duyên trời định mà thời trẻ anh chưa bao giờ nghĩ tới. Từ những ngày còn theo học phổ thông, anh đã phát huy năng khiếu văn chương bằng những truyện ngắn viết bằng cảm xúc của chàng thanh niên đầy mơ mộng. Sau khi học hết lớp 10, mặc dù đủ điểm vào đại học nhưng vì hạnh kiểm yếu và chưa được kết nạp đoàn nên anh không được gọi tựu trường. Vậy là Nguyễn Ngọc Tiến nhập ngũ. Anh chiến đấu tại chiến trường biên giới phía Tây Nam ở Lộc Ninh, Sông Bé. Nghiệp văn chương với chàng trai trẻ Hà Nội cũng tạm đứt đoạn từ đó. Tuy nhiên, bù lại, chiến trường ác liệt lại trau dồi cho Nguyễn Ngọc Tiến một kỹ năng khác, một nghiệp vụ khác cũng liên quan đến viết lách - làm báo. Vậy là từ những thực tế trên chiến trường bom rơi, đạn nổ, nguy hiểm luôn rình rập, anh lính trẻ Hà thành có dịp thể hiện tài năng ngôn ngữ của mình qua những tin, bài gửi về cộng tác cho các báo.

Năm 2012 có thể coi là một năm thành công của Nguyễn Ngọc Tiến với hai cuốn sách "Đi ngang Hà Nội", "Đi dọc Hà Nội" và triển lãm "Tôi kể chuyện này"

"Có lẽ không đi lính tôi sẽ chỉ biết đến viết văn thôi. Tuy nhiên, quãng thời gian ra chiến trường lại dạy tôi làm báo. Có thực tế chứng kiến, trải qua chiến tranh mới thấy nó ác liệt chừng nào. Ngày đó nhiều anh lính Hà Nội không chịu được còn trốn về. Tôi cũng sợ nhưng chắc có cái "ngông" nghệ sĩ trong người nên mặc cho ông Trời quyết định, cùng lắm là chết thôi... Vào đêm cuối năm Tết Tân Dậu 1981, khi đang ngồi dựa gốc cây dừa thì tôi nghe tiếng chó sủa. Biết lính Pôn- Pốt sang nên tôi nhanh chóng di chuyển nhưng chỉ được 3m thì cây dừa ấy bị B40 tiện, mảnh văng vào mắt phải. May mắn là vết thương nhẹ không để lại di chứng gì lớn...

Chính những năm tháng trải qua hiểm nguy, gian khổ trên chiến trường ấy mà tôi trở thành người viết báo và nhận ra sự khác biệt giữa viết báo với viết văn. Viết báo là cứ viết những gì mình đã chứng kiến, đã trải qua chứ không trau chuốt, mơ mộng như viết văn... ", Nguyễn Ngọc Tiến nhớ lại. Cũng chính từ ký ức của những ngày khoác áo lính ấy mà Nguyễn Ngọc Tiến đang ấp ủ viết một cuốn sách về lính Hà Nội. Anh cho biết trong cuốn sách này, anh sẽ chỉ kể những gì mình trải qua thôi, chả cần thêm thắt khái quát gì cũng đã thấy nó quá sinh động và hấp dẫn rồi.

Nguyễn Ngọc Tiến sinh ra và lớn lên ở vùng ven nội thành Hà Nội (hiện nay thuộc khu phố Vọng, quận Hai Bà Trưng). Anh yêu Hà Nội từ những ngày còn cùng chúng bạn bơi qua Hồ Tây mỗi buổi chiều tan học, từ hương hoa sữa nồng nàn mỗi đêm mùa thu rồi cả tiếng tàu điện leng keng qua những đường phố yên bình... Từ tình yêu ấy, Nguyễn Ngọc Tiến muốn khám phá Hà Nội ở tầng sâu nhất. Sinh ra ở Hà Nội, sống ở Hà Nội nhưng liệu có mấy ai biết ai là người xây Tháp Rùa, đào Nhật Tân có từ bao giờ, phim và rạp chiếu phim một thời như thế nào? Đọc "Đi dọc Hà Nội", "Đi ngang Hà Nội", chúng ta sẽ có câu trả lời cho tất cả những câu hỏi ấy. Đọc những trang sách viết về Hà Nội của Nguyễn Ngọc Tiến, độc giả như được lật giở từng trang chân thật nhất về đời sống của người Hà Nội, của đất Hà Nội. Anh viết đơn giản nhưng có hệ thống; không màu mè, kiểu cách mà người đọc vẫn thấy rất cuốn hút.

Để làm được điều này không phải là việc đơn giản. Anh chia sẻ về một trong những phát hiện của mình: "Thực ra nhà ống ở khu phố cổ không phải ảnh hưởng từ Nhật Bản mà xuất phát từ chính sách thuế của triều Nguyễn khi họ đánh thuế cửa hàng dựa vào chiều ngang mặt tiền chứ không căn cứ vào việc buôn bán to hay nhỏ, hàng hóa nhiều hay ít. Vì thế, để tránh việc bị thu thuế cao, người ta bán nhà hoặc xé nhỏ nhà chia cho con cái làm giảm chiều ngang mặt tiền...".

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến trong buổi trao giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội"

Chinh phục bạn đọc bằng chất văn mộc mạc

Hiện giờ, Nguyễn Ngọc Tiến lại đang chấp bút cho cuốn sách tiếp theo mà anh tạm đặt tên là "Biến dịch văn hóa Hà Nội thế kỷ 20". Trong đó, anh mong muốn chuyển tải đến người đọc những nét văn hóa của người Hà Nội gắn với những biến đổi về mặt lịch sử gắn với mỗi thời điểm có tính bước ngoặt như: Khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội, thời điểm sau 1954, thời điểm từ 1975 trở lại đây, với những biến động của lịch sử thì đời sống văn hóa biến đổi ra sao... Và cũng giống như "Đi ngang Hà Nội" và "Đi dọc Hà Nội", "Biến dịch văn hóa Hà Nội thế kỷ 20" sẽ được viết dưới dạng nghiên cứu, khảo cứu. Tham vọng lớn nhất của Nguyễn Ngọc Tiến khi viết văn là viết những cuốn sách vừa có giá trị, nhưng cũng vừa hấp dẫn người đọc, bao gồm cả những bạn đọc bình dân nhất.

Ngoài viết báo, viết văn; Nguyễn Ngọc Tiến còn có một đam mê khác gần với chuyên ngành lý luận phê bình mà anh theo học tại trường đại học Sân khấu điện ảnh sau khi xuất ngũ - viết kịch bản sân khấu và kịch bản phim. Kịch bản "Live show cho người nổi tiếng" của anh được đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng và diễn tại sân khấu 5B Võ Văn Tần (TP. Hồ Chí Minh) năm 2005. Anh cũng là tác giả của kịch bản phim tài liệu "Không chỉ là kỷ vật" của đạo diễn Cao Mạnh - bộ phim đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010.

Bộ phim tài liệu này nói về những thứ từng là vũ khi giết người trong chiến tranh qua bàn tay khéo léo của người dân, bộ đội đã biến thành những đồ dùng hữu ích cho cuộc sống sinh hoạt. Ví như vỏ quả bom chế thành chiếc kẻng, hộp đạn dùng để đựng đồ trang điểm, mũ sắt làm cối giã cua… Kịch bản phim tài liệu "Hồn quê", nói về những di tích văn hóa của Hà Nội bị xuống cấp hoặc biến mất, hay đang bị biến dạng bởi những ngôi nhà cao tầng xen kẽ với các ngôi nhà cổ như đình làng Hòa Mục, làng cổ Đông Ngạc, vườn đào Nhật Tân… của Nguyễn Ngọc Tiến cũng đã giành giải C tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2008.

Đinh Nhung

No comments:

Post a Comment