Tuesday, April 30, 2013

Ha Noi, nhung pho xua nghe moi

Hà Nội, những phố xưa nghề mới

Hà Nội từng được biết đến với 36 phố phường, mỗi phố có chức năng buôn bán hay sản xuất một loại hàng hóa riêng biệt gắn với tên phố. Như hàng Đường chuyên bán đường, mứt, bánh, kẹo; hàng Trống làm nghề bưng trống, tiện tang trống cho trẻ.

Kinh tế ngày càng phát triển, giao thương được mở rộng đã khiến các phố mất dần chức năng buôn bán chuyên biệt một mặt hàng cố định. Bù lại, sự phát triển tự thân ấy cũng đem lại cho Hà Nội những tuyến phố mới, không gắn với tên hàng nhưng vẫn khiến người ta liên tưởng đến một loại dịch vụ hay hàng hóa riêng biệt. Lẫn vào những giá trị có tính văn hóa, kế thừa, cũng có không ít con phố trở nên nhôm nhoam, lộn xộn…

Phố "trà chanh", phố "tin học"

Trà chanh đang được biết đến như món đồ uống khá đặc trưng của Hà Nội. Đã "trà chanh" thì phải "chém gió" một chút mới thú, bởi vậy rất nhiều người khẳng định cụm từ "trà chanh chém gió" xuất xứ từ Hà Nội. Giống như cà phê vỉa hè của Sài Gòn, những hàng quán trà chanh ở Hà Nội có những nét tạm bợ riêng biệt. Vài bộ bàn ghế xô lệch, mấy ly trà đá pha thêm chanh đường, một đĩa hướng dương…, thế là quá đủ để một nhóm bạn thỏa thuê gặp gỡ, cười nói từ chiều tới tối.

Một gian hàng ở chợ trời. Ảnh: VIẾT THỊNH

Phố "trà chanh" đầu tiên có lẽ là ở đường Đào Duy Từ, sau đó nhanh chóng lan ra các phố khác như Chợ Gạo, Nhà Thờ, Cát Linh, Ngã Tư Sở, Mỹ Đình. Trà chanh Nhà Thờ dù sinh sau đẻ muộn nhưng hiện đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của giới trẻ do gần nhà thờ lớn, không quá xa Hồ Gươm, không gian rộng.

Trong khi đó, phố Vọng Đức với chiều dài khiêm tốn (chừng hơn trăm mét) thường được biết đến với tên gọi "phố máy ảnh". Đến đây, những người yêu thích chụp ảnh có thể tìm cho mình một cái máy ảnh vừa ý (hiện đại cũng có mà cổ lỗ sĩ cũng không hiếm) với giá cả chấp nhận được. Các cửa hàng san sát trên phố cũng sẵn sàng cung cấp cho khách hàng đầy đủ các dịch vụ đi kèm như sửa chữa, tân trang.

Nếu muốn mua tivi, máy nghe nhạc, bạn có thể tới phố Hai Bà Trưng, nơi tập trung các cửa hàng chỉ chuyên bán đồ điện tử. Còn phố Lý Nam Đế từ lâu được người dân đặt là phố "tin học" bởi chuyên bán máy tính. Phố Lương Văn Can lại chuyên biệt về đồ chơi trẻ con, phố Hoàng Hoa Thám bán cây cảnh, phố Đặng Dung nhìn đâu cũng thấy điện thoại di động.

Lộn xộn phố

"Đi qua phố vẫy chớ có chậm ga" - đó là câu nói người Hà Nội vẫn dặn dò khách phương xa khi đi qua phố Trúc Bạch đến phố Ngũ Xã. Nơi đây được coi là phố phở cuốn với hàng chục cửa hàng chuyên bán món ăn này. Sở dĩ được gọi là phố vẫy bởi không ít hàng quán nơi đây cho một vài nhân viên nam đứng ngay giữa đường để "bắt" khách. Chỉ cần người đi đường hơi chậm tay ga một chút, lập tức các nhân viên mẫn cán của quán sẽ chặn ngay đầu xe, thậm chí rút luôn chìa khóa để lôi vào.

Tình cảnh tương tự cũng tái diễn trên các phố nhậu Trần Huy Hiệu, Lê Đức Thọ. Người Hà Nội gốc thì còn đỡ chứ du khách từ phương xa tới muốn thoát khỏi những cánh tay đang ghì cứng lấy mình cũng phải một phen bở hơi tai. Gặp những vị khách nóng tính, xô xát là điều khó tránh khỏi.

Phố Thịnh Yên, "xương sống" của chợ Hòa Bình, còn được gọi là chợ trời, nơi người Hà Nội vẫn rủ rỉ: "Thứ gì không mua được ở bất kỳ đâu có thể thấy ở chợ trời". Chợ bán đủ thứ, từ ốc vít cho đến thiết bị điện tử, từ phụ tùng xe máy cho đến thiết bị ô tô. Điều đáng nói nhất là chuyện người ta tìm mua được lại phụ tùng xe máy, ô tô bị mất cắp tại chợ trời không còn hiếm nữa. "Đã ba lần tôi bị gỡ mất kính chiếu hậu, bánh xe, logo. Sau đó, cứ tìm lên chợ trời là thấy ngay món đồ của mình vừa mất bày bán ở đây. Bực lắm mà vẫn phải mua lại vì đúng hàng xịn giá rẻ, còn hơn phải bỏ ra nhiều tiền mua mới" - anh Trần Việt Đức, giám đốc một công ty tin học, đau khổ nói.

"Những người lớn tuổi như tôi từng rất tự hào về 36 phố phường xưa. Theo thời gian, sự biến chuyển là khó tránh khỏi. Nhưng biến chuyển kiểu như phố "trà chanh", phố "tin học" còn chấp nhận được. Chứ kiểu chợ trời hay các "phố đồ nhảy" (tiêu thụ những món hàng do dân trộm vặt bán) như phố Lê Duẩn, phố Đê La Thành khi đêm xuống… thì chỉ làm xấu đi hình ảnh Hà Nội trong mắt du khách. Để dẹp những phố này, rất cần biện pháp mạnh của chính quyền địa phương" - bác Nguyễn Thị Liên, 79 tuổi, ngụ Đê La Thành, bày tỏ.

VIẾT THỊNH

No comments:

Post a Comment