Tuesday, April 30, 2013

Ha Noi: Tap trung thao go kho khan cho doanh nghiep

Hà Nội: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

QĐND - Hà Nội vừa  tổ chức Hội nghị triển khai các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố. Cuộc đối thoại là cơ hội để các bên ngân hàng, lãnh đạo thành phố, DN cùng bàn cách tháo gỡ các "nút thắt" trong bài toán phát triển kinh tế.

Hà Nội đang triển khai nhiều nhóm giải pháp để khơi dậy "sức sống" của các doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Hải

 

Doanh nghiệp tố khổ

Tại hội nghị, hầu hết các DN đều cho biết, mặc dù Hà Nội đã bắt đầu triển khai một số gói hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên, tình hình sản xuất hiện rất khó khăn, khó tiếp cận vốn, hàng hóa tồn kho, đầu ra hạn hẹp do nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của thành phố. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố Đỗ Quang Hiển giãi bày, lãi suất ngân hàng tuy đã có chiều hướng hạ, nhưng vẫn ở mức cao, yêu cầu bên vay phải có tài sản thế chấp, trong khi đó không phải DN nào cũng đáp ứng được, nhất là DN vừa và nhỏ. Đồng thời, hiện thành phố chưa có nhiều giải pháp kích cầu đầu ra, giải quyết hàng tồn kho; chưa có chính sách gắn kết giữa các nhà sản xuất trong nước, thiếu chương trình xúc tiến thương mại trong nước... Do đó, ông Đỗ Quang Hiển đề nghị, các chính sách tháo gỡ khó khăn cần tập trung vào giải quyết đầu ra, ưu tiên cho các DN nhỏ tiếp cận vốn vay ưu đãi. Bổ sung vào những vướng mắc đối với DN, Phó chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Hà Nội Trần Anh Vương cho rằng, niềm tin của các DN, đặc biệt là các DN trẻ đang bị giảm sút bởi nhiều kiến nghị tháo gỡ vẫn chưa được thành phố giải quyết. DN cần vốn không được vay vốn và ngược lại. "Chúng tôi kiến nghị nếu thành phố còn nợ vốn các công trình xây dựng cơ bản, cần thanh toán cho DN để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp cần trúng và đúng theo ngành hàng, trước hết là các DN cũ" - Ông Trần Anh Vương nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện các DN đều lên tiếng về vấn đề lãi suất cho vay hiện thời vẫn là quá cao. DN đồng loạt đề xuất lên Chính phủ, cần chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất ngay xuống dưới 10%, chứ không phải các gói ưu đãi, hỗ trợ với mức lãi suất 11 - 12%.

"Mạnh tay" hỗ trợ doanh nghiệp

Trước lời kêu ca của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc chi nhánh  NHNN thành phố Hà Nội cho biết: "Đến nay, NHNN thành phố chưa hề nhận được một phản ánh nào về việc DN đủ điều kiện được vay vốn mà không vay được vốn hoặc kiến nghị là khó khăn quá, cần được giúp đỡ. Nếu DN nào đủ điều kiện được vay vốn mà chưa tiếp cận được vốn vay thì đề nghị cung cấp thông tin để chúng tôi rà soát tại các ngân hàng để có biện pháp yêu cầu, giúp đỡ".

UBND thành phố Hà Nội cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đặc biệt giải quyết hàng tồn kho, trong năm 2013 sẽ triển khai một số nhóm giải pháp cơ bản. Theo đó, thành phố cam kết dành 50 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các DN đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục thực hiện giải ngân 328 tỷ đồng cho các DN dự trữ 10 nhóm hàng hóa thiết yếu, với mục tiêu bình ổn giá.

Song song với mức hỗ trợ trên, thành phố cũng tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2013 từ nguồn ngân sách cho 671 dự án với kinh phí 23.879 tỷ đồng; kịp thời tháo gỡ các thủ tục đầu tư, đấu thầu và trong khâu nghiệm thu, thanh toán vốn, bảo đảm giải ngân hơn 98% số vốn đầu tư so với kế hoạch giao.

Nhiều gói hỗ trợ thiết thực nhưng liên quan tới tình trạng nguồn vốn cho DN còn chậm nhận được, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ví von rằng: "Nền kinh tế là cơ thể, doanh nghiệp là tế bào, vốn là máu. Thiếu máu cơ thể sẽ yếu, chính vì thế vấn đề cốt lõi vẫn phải giải quyết được nguồn vốn". Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lưu ý phía ngân hàng phải làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn. Thực hiện chỉ đạo này của thành phố, bà Nguyễn Thị Mai Sương cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều gói hỗ trợ DN tiếp cận vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, ưu tiên vốn tín dụng cho xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, DN sử dụng nhiều lao động… Điển hình, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội triển khai gói tín dụng 1000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp nhất từ 9,99%/năm. Đặc biệt, Hà Nội triển khai gói hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của thành phố từ nguồn ngân sách 100 tỷ đồng để giảm khó khăn cho DN mở rộng sản xuất kinh doanh…

Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp hỗ trợ của thành phố Hà Nội tới các DN, đó là chính sách tài khóa cởi mở. Năm 2013, thành phố sẽ giãn, giảm khoản thu ngân sách Nhà nước. Tổng số tiền thuế, lệ phí được gia hạn thời gian chậm nộp và giảm năm 2013 khoảng 14.434 tỷ đồng.

Với mong muốn làm "ấm" dần thị trường bất động sản "đóng băng" bấy lâu nay, Hà Nội sẽ tập trung xử lý gần 5.800 căn hộ còn tồn động trên địa bàn bằng cách tiếp nhận đề nghị của các chủ đầu tư chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư và nhà công vụ, nhà dành cho người thu nhập thấp... 

Trước thực trạng, vừa qua, việc Hà Nội tụt sâu tới 15 bậc trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo trăn trở, chỉ số PCI giảm tức là DN đang "chê" chính sách điều hành của thành phố. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với các DN để nhận diện những điểm yếu kém từ chính quyền, tìm giải pháp, nâng chỉ số PCI. Thành phố sẽ mời Hiệp hội DN tham gia Ban chỉ đạo và thành lập tổ công tác, đường dây nóng tháo gỡ khó khăn cho DN.
VŨ DUNG

No comments:

Post a Comment