Sunday, April 21, 2013

Lam sao di xe dap trong khoi bui Ha Noi

Làm sao đi xe đạp trong khói bụi Hà Nội

Chủ nhật, 21/4/2013, 10:45 GMT+7

Thử tưởng tượng: mỗi sáng đến sở làm, bạn phải đạp xe cả chục km mới tới trạm xe buýt trong không khí mù mịt bụi, khói xe. Vậy bạn còn muốn đi xe đạp nữa không?
5 năm chưa đủ để cấm xe máy ở Hà Nội, Sài Gòn

Bản thân tôi luôn ủng hộ việc sử dụng xe đạp để gìn giữ môi trường trong sạch, hạn chế ô nhiễm và kéo giảm tình trạng tắc nghẽn và tai nạn giao thông do xe gắn máy gây ra.

Nhưng để người dân thực sự tự giác sử dụng xe đạp này thì Nhà nước phải có kế hoạch xây dựng chiến lược thật rõ ràng, cụ thể và dài hơi, không thể kêu gọi suông cho việc làm này được.

Tôi nghĩ người dân sẽ ý thức được sẽ nên thay đổi phương tiện hay tập quán xe máy khi họ thấy có lợi cho bản thân và xã hội.

(XEM THÊM: Đi xe máy ở Hà Nội 'có thể bị ngã bất cứ lúc nào' )

Để thúc đẩy đề án này, tôi xin có vài góp ý :

- Như Sở công thương Hà Nội có nêu ra, hiện nay nhiều thành phố trên thế giới như Amsterdam (Hà Lan) hay London (Anh) có lượng người sử dụng xe đạp khá cao.

Đúng vậy, hiện Hà Lan được xem là vương quốc của xe đạp, tỷ lệ xe đạp/dân số được xem là cao nhất thế giới. Nhưng hãy tìm hiểu tại sao họ lại sử dụng xe đạp nhiều như vậy.

Gần như người dân nào cũng có xe đạp, thậm chí một người có 2, 3 chiếc là chuyện bình thường. Nhưng không phải ai cũng đạp xe một mạch từ nhà đến công sở hay trường học đâu.

Nếu nhà ở xa họ sẽ đi xe đạp ra bến xe buýt hay ga tàu điện, sau đó họ sử dụng phương tiện công cộng đến nơi làm việc hoặc học hành. Nếu bến tàu không gần nơi muốn đến thì họ sẽ sắm cho mình một chiếc xe đạp nữa để có thể đi từ bến tàu đến chỗ làm. Buổi chiều về thì họ sẽ làm ngược lại như vậy.

Họ sử dụng xe đạp vì khí hậu rất mát mẻ mà môi trường thì thật trong lành, hoàn toàn không có khói bụi.

Vì vậy, các cơ quan chức năng mong muốn người Việt Nam sử dụng xe đạp cũng nên suy nghĩ theo hướng như vậy. Không thể bắt người lao động đạp xe từ Hà Đông ra tận Hoàn Kiếm để làm việc...

Cần phải đầu tư hạ tầng thật đồng bộ như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt... để người dân kết hợp xe đạp và phương tiện công cộng như sau:

- Xem lại hệ thống đường giao thông cho xe đạp, tạo môi trường thật trong lành, không bị ô nhiễm bởi khói bụi, trồng thêm nhiều cây xanh, tạo bóng mát trên các tuyến phố, đặc biệt tại các góc phố có tín hiệu đèn giao thông để người dân dừng xe khi chờ đèn.

- Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới nên thời tiết khá nóng vào mùa hè lại hay mưa nhiều, nên rất khó để người dân sử dụng xe đạp nếu không có các biện pháp như trên.

(XEM THÊM: Hà Nội mùa này đạp xe thật tuyệt)

Ngoài ra, để khuyến khích người dân đi xe đạp kết hợp sử dụng phương tiện công cộng nên hỗ trợ thêm như sau:

1. Tăng cường thêm các tuyến xe buýt, số lượng xe buýt, thái độ phục vụ, an toàn an ninh cho người sử dụng xe buýt.

2. Xây dựng gấp các tuyến tàu điện ngầm, tàu trên cao, tàu điện mặt đất...

3.Trợ giá vé phương tiện công cộng cho người lao động, hiện một số nước làm như sau: nếu mua 6 tháng liên tục sẽ giảm 1 tháng, mua một năm sẽ thu tiền 10 tháng thôi.

Nếu người lao động làm việc cho cơ quan nhà nước hay cho các tổ chức, tư nhân thì giới chủ sẽ chịu trách nhiệm 50% chi phí vé phương tiện công cộng cho người lao động.

Ví dụ: 200 nghìn đồng/tháng, mua trong một năm sẽ giảm 2 tháng, vậy giá vé chỉ còn 2 triệu cho một năm, người lao động sẽ trả 1 triệu, giới chủ trả 1 triệu.

Giới chủ chịu trách nhiệm mua vé này cho người lao động (phần còn lại trừ dần vào lương), ai không sử dụng thì sẽ chịu thiệt thòi. Lưu ý: vé này được dùng cho tất cả các loại phương tiện công cộng, đi bất kỳ khi nào và bao nhiêu lần cũng được (miễn sử dụng đúng người).

Tôi nghĩ có như vậy người dân sẽ cân nhắc nên sử dụng phương tiện nào có lợi cho mình nhất. Lúc bấy giờ nhà nước không cần "gào thét" hay cấm đoán gì thì xe đạp và phương tiện công cộng sẽ hấp dẫn người dân ngay.

XEM THÊM: Trung Quốc mất 10 năm để cấm xe máy ở Quảng Châu

Linh Thoại

Chia sẻ bài viết về giải pháp giao thông tại đây

No comments:

Post a Comment