Saturday, July 28, 2012

Hà Nội: Chỉ còn 4 cơ sở khám có bác sĩ Trung Quốc

(VTC News) – Đến ngày 28/7, tại Hà Nội chỉ còn 4 phòng khám, phòng chẩn trị y học cổ truyền có bác sĩ Trung Quốc hoạt động có phép. Vào ngày 24/7, số lượng các phòng khám này là 13.

Cho phép tự định giá: Phòng khám tha hồ lợi dụng

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Theo khoản 5 Điều 88 Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện hành quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Phòng khám Việt Hải  (709 Giải Phóng) là 1 trong 4 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc có phép đang khám chữa bệnh.

Đây chính là kẽ hở cho nhiều cơ sở khám chữa bệnh tự đưa ra giá lên trời. Hơn nữa, ông Hiền phân tích, tâm lý bệnh nhân khi biết mắc bệnh thì muốn chữa cho khỏi. Thậm chí, vì không dám hỏi bác sĩ chi phí khám chữa bệnh nên khi đã lỡ làm các xét nghiệm tiếp theo thì nhiều người đã phải về quê bán trâu, bò để chữa bệnh.

Bệnh nhân N.T. Chiêu, 58 tuổi ở DakLak trước đó điều trị tại phòng khám đa khoa Việt Hải (709 đường Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội). Mỗi ngày bà Chiêu phải truyền 3 chai nước (chưa kể phải soi đèn). Chỉ tính riêng 3 chai nước, mỗi ngày bà phải chi gần 1 triệu đồng.

Còn chị Đ.T.T.T., sinh năm 1987, đến khám tại phòng khám đa khoa Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội). Tại đây, chị được bác sĩ người Trung Quốc tên là Vương Tiểu Hoa khám bệnh thông qua một phiên dịch viên người Việt.

Chị T. cho biết: “Sau khi kết luận tôi bị viêm âm đạo, có dịch túi cùng, viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3, y tá nói bệnh của tôi rất trầm trọng, nếu không điều trị gấp sẽ dẫn đến ung thư cổ tử cung và không có khả năng sinh nở. Tôi mới sinh được một cháu nên nghe y tá nói vậy cảm thấy vô cùng sợ hãi”.

Trong ngày đầu tiên, tiền nội soi, làm các xét nghiệm, siêu âm và truyền dịch đã ngốn của chị T. hơn ba triệu đồng. Ngày thứ hai, chị tiếp tục được điều trị. Ngày thứ ba, bác sĩ  Trung Quốc thông báo chị cần làm thủ thuật, bởi “để lâu sẽ rất nguy hiểm”.

Chi phí cho ngày chữa bệnh thứ ba này của chị T. là... 11 triệu đồng. Trước khi tiến hành chữa trị, phòng khám thông báo với chị T. sẽ điều trị dứt điểm bệnh trong vòng bảy ngày, song thực tế quá trình này lại kéo dài tới 10 ngày.

Ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế nói: Người bệnh hiện chưa hiểu cũng như chưa phát huy quyền của mình. Người bệnh có quyền biết được chi phí khám chữa bệnh cũng như các xét nghiệm cận lâm sàng, các loại thuốc sử dụng cũng như liệu trình điều trị được bác sĩ chỉ định. Từ đó, căn cứ tình hình tài chính để quyết định có điều trị hay không.

Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: Từ 35 còn 4

Ngày 24/7, tại cuộc họp với Thành Ủy Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế: Tính đến 20/7, tại Hà Nội có  2.590 cơ sở hành nghề y, y học cổ truyền tư nhân.

Trong đó, có 35 cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài đã được cấp phép. Nhưng đã có tới 22 cơ sở ngừng hoạt động. Như vậy, chỉ còn 13 cơ sở đang khám chữa bệnh. Và có khoảng 27 bác sỹ nước ngoài tham gia khám chữa bệnh, giúp việc tại các cơ sở này.

Vài ngày sau đó, ngày 27/7, bà Đặng Thị Hòa, Phó chánh thanh tra, Sở Y tế cho biết: Theo con số cập nhật mới nhất, chỉ còn 4 cơ sở khám chữa bệnh có bác sĩ Trung Quốc được cấp phép hoạt động tại các địa chỉ: 58 Sơn Tây, 981 Giải Phóng, 298 Nguyễn Trãi, 709 Giải Phóng.

Ngày 26/7, lãnh đạo phòng khám số 108 Trần Phú, Hà Đông đã có đơn xin nghỉ khám chữa bệnh với lý do cơ sở hoạt động không có hiệu quả.

Đây có thật sự là nguyên nhân khiến hàng loạt phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động đóng cửa hay chỉ là động thái “án binh bất động” và chờ thời cơ lại bùng phát.

Trong thời gian này, Sở Y tế Hà Nội đang rất gắt gao kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của các phòng khám có yếu tố nước ngoài.

Ông Nguyễn Việt Cường cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Sở đã đi kiểm tra 22 lượt phòng khám và phát hiện nhiều sai phạm. Tổng số tiền phạt các phòng khám này là hơn 207,250 triệu đồng.  Qua thanh kiểm tra, chúng tôi nắm được và ngăn chặn những sai phạm này. Chúng tôi phấn đấu mỗi cơ sở được thanh tra 1 năm 2 lần. Với những cơ sở vi phạm sẽ thanh tra nhiều hơn”.

Nói về những lỗi hay gặp của các phòng khám có yếu tố nước ngoài, ông Cường nói: “Các phòng khám sử dụng bác sĩ quốc tịch Trung Quốc không phép, thuốc dùng để chữa bệnh có ghi chữ Trung Quốc, quảng cáo quá mức.

Để luồn lách, các phòng khám thuê các công ty có chức năng quảng cáo đứng ra quảng cáo với các báo đài. Các bác sĩ không phép khám chữa bệnh nhưng khi có đoàn kiểm tra, họ bỏ đi ra chỗ khác ngoài phạm vi phòng khám. Khi đó, chúng tôi rất khó khăn để quy lỗi vi phạm”.

Sở Y tế truy phòng khám Mỹ Việt, phạt 20,5 triệu đồng

» Phòng khám Trung Quốc: Thêm một ca mổ trĩ suýt tử vong
» Chữa trĩ tại phòng khám tư, 2 bệnh nhân nguy kịch

Nguyễn Tâm

No comments:

Post a Comment