Saturday, July 28, 2012

Hà Nội: Tiền lớn, liệu đường có hết tắc?


Dù đã có nhiều nỗ lực để giảm tải cho giao thông đô thị, nhưng nhiều kế hoạch của Hà Nội cũng đã gần như phá sản hoặc không hiệu quả sau nhiều năm, như phân làn đường. Vậy, cơ sở nào để người dân có thể kỳ vọng vào một bức tranh sáng sủa hơn cho giao thông Hà Nội?


Mở thêm hàng loạt cầu vượt


Để đạt được mục tiêu đề ra ở trên, theo UBND TP Hà Nội, nguồn vốn cần thiết là 1.944 tỷ đồng. Trong đó, theo ý tưởng của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, 1.000 tỷ đồng sẽ được dành để xây 8 cây cầu vượt tại ở một số nút giao thông quan trọng thường xuyên ùn tắc, như nút Kim Mã - Liễu Giai (Daewoo), nút Bạch Mai - Đại Cồ Việt, nút Nguyễn Chí Thanh, nút Lê Văn Lương. 


Ngoài ra, một trong những biện pháp thành phố sẽ làm là cải tạo, lắp đặt hệ thống camera tại 200 nút giao nhằm giám sát tình trạng ùn tắc giao thông, tình trạng vi phạm của phương tiện, để phục vụ cho việc xử lý các vi phạm bằng hình ảnh. Đồng thời triển khai khảo sát, đếm xe cho 50 nút và tuyến đường nhằm xác định luồng di chuyển của các dòng phương tiện, thành phần, cơ cấu đi lại cũng như mức độ quá tải của hạ tầng giao thông, để đề ra các giải pháp tổ chức mang tính tổng thể theo mạng.


TP cũng đã “nghĩ đến” và ưu tiên cho các dự án đầu tư cải tạo, hoặc xây cầu vượt đối với các nút giao đã quá tải trầm trọng. Dự kiến giai đoạn 2012 - 2015, TP sẽ cải tạo, sửa chữa 40 nút và tuyến đường; cải tạo, vuốt nối 20 vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt; xây dựng khoảng 8 cầu qua sông, trong đó có mở rộng cầu Định Công, cầu Đền Lừ. Xây dựng bổ sung thêm cầu mới cạnh cầu cũ, để tăng năng lực thông hành chống ùn tắc giao thông tại vị trí các cầu: Cống Mọc, cầu Yến Vĩ, cầu Mỹ Hưng...



Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, việc Hà Nội ưu tiên trong 3 năm tới vào hàng loạt cầu vượt tại các nút giao, xây cầu nội đô sẽ giảm được áp lực giao thông, bởi nguyên nhân chính dẫn đến tắc nghẽn là do kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và chưa đồng bộ.


Ông Khôi phân tích, mạng lưới đường có rất nhiều nút giao và chủ yếu là nút giao đồng mức (toàn TP có 2.150 nút giao thông, trong đó có 6 nút giao khác mức trực thông và 214 nút giao có lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông). Bên cạnh đó, phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh (khoảng 13-15% /năm), xe máy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến chiếm trên 70% số chuyến đi hằng ngày. Đi lại bằng xe buýt chỉ chiếm khoảng 10%, đi lại bằng xe ôtô con chiếm khoảng 8%.


Không nên đặt những mục tiêu quá tầm


Thực tế, với số tiền 2.000 tỷ đồng đầu tư nếu thu được kết quả như kế hoạch của UBND TP Hà Nội đặt ra, không có gì đáng bàn cãi. Nhưng nhìn từ nhiều kế hoạch giảm ùn tắc, xây dựng văn hóa giao thông của Hà Nội đã thực hiện trước đây, nhiều chuyên gia giao thông đã tỏ ý nghi ngại về tính khả thi của chương trình này.


Trao đổi với chúng tôi, PGS - TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông không chỉ nằm ở nâng cấp và cải tạo những con đường, hay những phương tiện giao thông công cộng. Đánh giá về nỗ lực của UBND TP Hà Nội khi đưa ra dự án đầu tư 2.000 tỷ để cải thiện mạng lưới giao thông, ông Hùng bày tỏ sự ghi nhận với lãnh đạo TP trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Cá nhân ông Hùng cho rằng, "chi" 2.000 tỷ đồng chống ùn tắc giao thông không phải quá lớn, hữu ích với Thủ đô vào lúc này, bởi nó hợp với nhu cầu của thời đại, yêu cầu của trung ương, cũng như sự quan tâm của người dân.


Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh, với quá nhiều hạng mục phải đầu tư như đã liệt kê ở trên, UBND TP có lẽ vẫn cần phải có một con số ấn tượng hơn, thậm chí là không cần trích ra ngân sách của Nhà nước “nếu như đất hai bên đường thi công được bán lại cho các chủ đầu tư, rồi dùng chính tiền đó tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng” - PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng đề xuất.


“Để đánh giá xem con số 2.000 tỷ này có đáp ứng được nhu cầu và phát huy hết hiệu quả tối đa được hay không, là một câu hỏi không dễ trả lời, bởi nó đang được nhìn nhận ở tầm nhìn hiện tại. Trong khi đó mỗi năm Hà Nội lại có thêm rất nhiều đường xá mới được mở. Nhu cầu của người dân về phương tiện đi lại cũng vì vậy mà tăng theo. Do đó đến năm 2015, con số 2.000 tỷ chưa chắc đã đem lại tác dụng như mong muốn” - ông Hùng nghi ngại.



Hà Nội đầu tư 2.000 tỷ đồng liệu có kiềm chế được ùn tắc?

Còn theo TS Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý GTVT, Đại học GTVT, đã có nhiều quy hoạch của Hà Nội không thực hiện đúng tiến độ đề ra, như đề xuất của Sở GTVT Hà Nội giai đoạn 2011-2015 dự tính khoản kinh phí đầu tư xây dựng chỉnh trang các tuyến đường vành đai và một số trục giao thông hướng tâm lên tới gần 13 tỉ USD. Như vậy, nếu Hà Nội chi một tỉ lệ chiếm 22% GDP cho giao thông, thì chúng ta sẽ không còn tiền để đầu tư vào các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, nhà ở.


“Hà Nội đặt ra mục tiêu từ những năm trước đây là đến năm 2010, diện tích đất đô thị dành cho GTVT là 15% tổng diện tích xây dựng đô thị, nhưng đến thời điểm này mới đạt 6,4% tổng diện tích. Hay như mục tiêu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng theo quy hoạch cho năm 2010 là 30% tổng nhu cầu đi lại, nhưng hiện nay mới đạt 8%. Chỉ tiêu thứ tư là số tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch năm 2010 là 1 tuyến, nhưng đến nay vẫn đang là nghiên cứu khả thi. Mà đây là quy hoạch của năm 2010, đến giờ chúng ta còn chưa đạt được thì nói gì đến mục tiêu quy hoạch của những năm sau. Tôi lo ngại chương trình này cũng như thế”, TS Khuất Việt Hùng băn khoăn.



No comments:

Post a Comment