Tuesday, July 31, 2012

“Văn hóa Hà Nội chưa ngang tầm khu vực”

Băng Cốc khác Hà Nội từ thái độ buôn bán của tiểu thương, thái độ với du
khách đến ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.





Cả hai thành phố đều là thủ đô, dân cư đông đúc từ mọi miền tổ quốc đổ về làm
ăn sinh sống, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, nhưng Băng Cốc khác
Hà Nội từ thái độ buôn bán của tiểu thương, thái độ với du khách đến ý thức giữ
gìn vệ sinh môi trường.


Xót xa khi thủ đô chưa ngang tầm khu vực


Gần 12 năm làm hướng dẫn viên du lịch, lang thang khắp các vùng miền và nhiều
quốc gia trên thế giới, anh Nguyễn Hoàng Tam Nguyên (hiện đang sống tại TP. Hồ
Chí Minh) có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Anh Nguyên xót xa
khi nhận ra rằng, thủ đô nước ta chưa thể văn minh, lịch sự bằng các thành phố
khác trên thế giới.


So sánh với thủ đô Băng Cốc của Thái Lan, nơi anh Nguyên thường xuyên dẫn
đoàn đến thăm, anh Nguyên bảo họ hơn chúng ta rất nhiều.







Anh Nguyễn Hoàng Tam Nguyên.


Anh so sánh: “Đã là người Việt Nam mà nghe đến vấn nạn giao thông thì chỉ
biết lắc đầu ngao ngán: số người chết khi tham gia giao thông mỗi ngày, nạn mãi
lộ, ý thức chấp hành luật của người tham tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng…Còn
Băng Cốc phân làn cho xe rất riêng biệt. Bác tài rất rất hạn chế sử dụng còi,
kẹt xe vẫn diễn ra hằng ngày nhưng thái độ tham gia giao thông rất lịch thiệp:
không phóng nhanh, vượt ẩu, nóng nảy, va chạm. Nạn chèo kéo của taxi rất ít, bãi
đậu xe rất thoáng và rất ít thu phí đậu xe du lịch”.


Cả hai thành phố đều là thủ đô, dân cư đông đúc từ mọi miền tổ quốc đổ về làm
ăn sinh sống, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, nhưng Băng Cốc khác
Hà Nội từ thái độ buôn bán của tiểu thương, thái độ với du khách đến ý thức giữ
gìn vệ sinh môi trường.


Anh Nguyên phân tích: “Ở Băng Cốc không có tình trạng chửi bới khách hàng
hoặc tỏ thái độ không vui khi khách hàng không mua (đốt vía, nhăn mặt, cộc
cằn…). Ý thức được du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên mọi người biểu hiện rất
trân trọng và nâng niu du khách. Họ biết rằng giữ vệ sinh môi trường là sự sống
còn của một thủ đô: họ đã biết phân loại rác hữu cơ, vô cơ, phạt nặng khi hút
thuốc không đúng nơi quy định…”.


Không chỉ ở Băng Cốc, mà nhiều thủ đô, thành phố khác trên thế giới đều có
thái độ trân trọng với du khách. Đặc biệt trong vấn đề ăn uống, giá cả, rất hiếm
khi xảy ra trường hợp tăng giá dù bạn là người địa phương, người trong nước hay
du khách nước ngoài.


Với kinh nghiệm của một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu, anh Nguyên vẫn phải
chịu thua chiêu trò kinh doanh của tiểu thương Hà Nội. Anh đã từng bị “chặt
chém” tô bún riêu ốc trong Phố cổ 50.000 đồng/bát dù giá niêm yết là 30.000
đồng. Khi anh hỏi thì được giải thích rằng phục vụ tô đặc biệt và rau thêm. Anh
đành phải tự an ủi mình rằng “chắc có lẽ tại nói giọng miền Nam”.


“Ở mỗi thủ đô khác họ luôn bán đúng giá niêm yết cho tất cả thực khách và đôi
khi còn ưu tiên phục vụ đặc biệt cho khách nước ngoài mong rằng niềm vui của du
khách đem tới không khí thân thiện trong môi trường kinh doanh của họ. Mọi thông
tin đều rất rõ ràng trong menu cũng như những số điện thoại nóng của cơ quan
chức năng. Có chăng chỉ là những lời phàn nàn về tiêu chí khẩu vị của riêng từng
thực khách, vấn đề này thông cảm được hoặc họ sẽ bị phạt rất nặng hoặc rút giấy
phép kinh doanh có hạn, vĩnh viễn tùy theo mức độ vi phạm”, anh Nguyên nói.


Anh Nguyên bảo người Trung Hoa có câu “nếu bạn không biết cười, thì đừng nên
kinh doanh” nhưng Người Việt thì “không mợ thì chợ cũng đông” nên thái độ bất
cần khách hàng, coi thường pháp luật (vệ sinh an toàn thực phẩm, bán không đúng
giá niêm yết…), phục vụ theo kiểu bao cấp vẫn còn tồn tại. Thế nên mới có “bún
mắng”, “cháo chửi” ở Hà Nội.


Du khách sợ nhất giao thông Hà Nội


Là hướng dẫn viên du lịch, tiếp xúc với nhiều du khách đến từ nhiều quốc gia
khác nhau, anh Nguyên có cơ hội được nghe họ chia sẻ về văn hóa nước họ khi so
sánh với Hà Nội.


“Họ ca ngợi Việt Nam là một dân tộc anh hùng trong thời chiến, một nền kinh tế
phát triển bền vững mặc dù đối mặt với rất nhiều khủng hoảng, an ninh tốt, người
Việt Nam thân thiện, dễ mến, có lòng vị tha, còn giữ được nhiều nét văn hóa
truyền thống…Nhưng rất sợ giao thông Việt Nam, chính sách 2 giá, cung cách phục
vụ của các cơ quan công quyền…”, anh Nguyên nói.







Anh Nguyên dẫn đoàn du lịch tại thủ đô Malaysia.


Anh Nguyên bảo, rất nhiều du khách đã chia sẻ với anh rằng, Việt Nam là một
đất nước có bề dày văn hóa rất sâu sắc. Văn hóa Việt Nam hòa nhập chứ không hòa
tan nhưng giới trẻ đang bị hòa tan theo văn hóa Hàn Quốc, Mỹ… Văn hóa Việt Nam
biết trân trọng quá khứ nhưng không phát triển bền vững trong tương lai theo
cách giáo dục hiện tại: quá nghèo nàn và lạc hậu. Văn hóa Việt Nam là một văn
hóa không thể nhầm lẫn vào văn hóa của bất cứ dân tộc nào: Văn hóa tình-lý.
Nhưng đôi khi Tình nhiều quá làm Lý trí không tư duy tốt được.


Theo anh Nguyên, tuy Hà Nội đã có nhiều cố gắng để thu hút khách du lịch như đã
có cảnh sát du lịch, phố đi bộ, những tình nguyện viên nhiệt tình giúp đỡ du
khách một cách không mệt mỏi. Đã và đang chấn chỉnh vỉa hè cho người đi bộ,
những làng nghề truyền thống văn hóa…nhưng vẫn còn rất nhiều điểm hạn chế.


Anh Nguyên nhận xét: “Cuộc sống Hà Nội: hiện đại, dễ hòa nhập với sự phát
triển chung của đất nước, vội vã và bon chen! Con người Hà Nội: tri thức, uyên
thâm, tinh thần dân tộc cao nhưng dễ bị lay chuyển với xu thế mới cuộc sống
Phương Tây (thế hệ 9x trở đi)”.


“Người sài Gòn có 1 câu nói về Hà Nội như thế này, chỉ mang tinh chất vui,
không nên đi vào tiểu tiết: Việt Nam là 1 đất nước nhỏ/ Đất nước nhỏ có 1 nền
dân số rất to/ Dân số to sống ở 1 thủ đô rất nhỏ/ Thủ đô nhỏ nhưng có những ngôi
nhà rất to/ Trong ngôi nhà to có 1 cô vợ nhỏ/ Cô vợ nhỏ là Phu nhân của 1 ông
sếp rất to/ Ông sếp to có 1 cặp-táp  rất nhỏ/ Trong cặp-táp nhỏ có 1 dự án rất
to/ Dự án rất to nhưng thi công toàn “những bông hoa nhỏ” nhưng có cái miệng
(mồm) rất to…”, anh nói thêm.


La Hoàn (ghi) 






 

No comments:

Post a Comment