Wednesday, January 18, 2012

Hà Nội rộn ràng những ngày giáp Tết

 

Ở một góc Văn Miếu - Quốc Tử Giám, "phố chữ" nhộn nhịp ông đồ và người xin chữ. Xuân Nhâm Thìn đang đến rất gần.


Một góckhăn xếp áo the


Giữa không gian ngập tràn không khí Tết, phố Văn Miếu vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng với những với những ông đồ khăn xếp, áo the, bày mực tàu, giấy đỏ trên vỉa hè cho chữ. Mặc dù mở cửa vào thời điểm người dân bận rộn nhất trong năm, nhưng phố chữ hấp dẫn khá nhiều khách du lịch và người dân Thủ đô đến tham quan, xin chữ. Hàng trăm bức tranh chữ xếp hàng dọc bức tường Văn Miếu rêu phong, các ông đồ, già có, trẻ có, miệt mài bên nghiên mực tàu và những tờ giấy đỏ. Cũng như mọi năm, chủ đạo trong thư pháp Tết là tranh đào, mai và những câu thơ, câu đối. Đặc biệt, tranh Rồng năm nay được ưa chuộng, hầu như gian thư pháp nào cũng có những bức tranh về linh vật thiêng liêng này.



Ông đồ viết chữ ở phố Văn Miếu.


Những ông khách Tây qua phố cũng tranh thủ ngắm nghía những gian hàng đặc biệt chỉ có mỗi dịp Tết đến Xuân về. Nhiều người, sau khi được hướng dẫn phiên dịch, họ hiểu thêm ít nhiều về nghệ thuật thư pháp và mang theo bên mình một bức thư họa vừa xin được. Giá cả tranh thư pháp năm nay có nhỉnh hơn năm ngoái một chút. Những bức thư pháp nhỏ có giá từ 50 - 100.000 đồng, tùy vào số lượng chữ người mua muốn viết. Có những bức lồng khung kính trị giá vài trăm đến vài triệu đồng. Anh Trần Văn Nam (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: "Những ngày này, dù bận đến mấy tôi cũng phải ghé qua Văn Miếu xin chữ. Nếu những năm trước tôi xin chữ Tâm, Phúc, Lộc, Danh, thì năm nay tôi xin chữ Minh để mong đứa con mới vào lớp một thông minh, sáng dạ, học giỏi". Còn vợ chồng anh chị Nam Khanh - Thu Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội) tranh thủ đưa con đi ngắm chữ và giải thích cho con biết về nét đẹp văn hóa này ở Thủ đô. Nhiều bạn trẻ là sinh viên, trước khi về quê ăn Tết cũng ghé qua Văn Miếu xin chữ về tặng ông, bà, bố, mẹ. Tâm sự với chúng tôi, em Trần Phan Dương, sinh viên ĐH KHXHNV mong muốn: "Hy vọng nét đẹp này không bị biến tướng, bị thương mại hóa một cách thái quá, làm mất đi cảm xúc thiêng liêng của cả người xin và người cho chữ".


Phố phường sầm uất


Rời Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng tôi đến khu phố cổ và cảm nhận Hà Nội chưa bao giờ nhộn nhịp, sầm uất đến vậy. Phố Hàng Mã rực rỡ đèn lồng và đồ trang trí. Cả dãy phố một màu đỏ tươi, mỗi gian hàng một cách bài trí độc đáo. Phố Hàng Rươi tràn ngập hoa lụa và cây cảnh giả. Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Trống… những gian hàng tranh, sành sứ, hàng bánh kẹo, ô mai, thời trang… người như nêm. Những khu phố quanh Bờ Hồ lộng lẫy và bắt mắt. Ai ai cũng có thể cảm nhận "hương vị" Tết rất riêng, rất truyền thống ở mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.



Chợ hoa Hàng Lược


Chợ hoa Quảng Bá. Ảnh:Thái Hà



Về các tuyến phố: Kim Ngưu, Tam Trinh, Láng, Nhật Tân… những chậu cảnh, quất, đào và đủ các loại hoa… được bày bán kín vỉa hè, tạo nên không khí náo nhiệt của Thủ đô những ngày giáp Tết. Nếu như năm trước, đào quất, cây cảnh được bày bán tràn lan trên đường An Dương Vương, Âu Cơ, Nghi Tàm thì năm nay quận Tây Hồ chỉ cho bán tập trung dọc đường Lạc Long Quân cho đến tận Công viên Hồ Tây. Cách đây một tuần, dọc con đường này đã tràn ngập quất, đào nhưng vắng bóng người mua thì mấy hôm nay, khách mua đã tấp nập, sầm uất. Chị Nguyễn Mai Hương, một người bán đào ở đường Lạc Long Quân cho biết, mặc dù giá cả nhiều mặt hàng "sốt sình sịch" thì quất, đào năm nay giá vẫn như mọi năm. Năm trước, nhiều người chơi đào sẵn sàng bỏ ra dăm chục triệu về tận vườn đào nhà chị khuân về, thì năm nay, đời sống kinh tế khó khăn, đào to ít người để mắt đến. Kể cả các công ty, doanh nghiệp cũng chỉ thuê với giá 10 đến 30 triệu đồng/cây. Bên cạnh những loại cây truyền thống như quất Xuân La, đào Nhật Tân, cam Canh, nhiều tuyến phố của Hà Nội như Giang Văn Minh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khánh Toàn… rực rỡ sắc vàng của mai Sài Gòn, hồng phai của đào rừng Sa Pa, phong lan đủ loại… Đào rừng năm nay được khá nhiều khách chọn do giả cả phải chăng, từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng tùy cành. Là người bán đào lâu năm, anh Nguyễn Tiến Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra am hiểu về đào rừng: "Đào Sa Pa có đào mốc và đào phai. Đào mốc là giống đào của người Mông, nụ ít, mập, hoa hồng nhạt. Loại đào này mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối, thân và cành sần sùi, thô ráp. Nhiều cây còn có lớp rêu phủ trông rất cổ kính. Đào phai, thân và cành chắc khoẻ, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng". Cũng theo anh Hưng, nhiều người thích đào rừng vì ngoài vẻ đẹp tự nhiên, đào còn có một đặc điểm là chơi được lâu. Người chơi có thể mua về trước Tết nửa tháng và chơi cho đến hết Rằm tháng Giêng mà hoa vẫn thắm. Sau đó, do cành to gấp nhiều lần đào vườn nên lắm dinh dưỡng, cành đào rừng lại tiếp tục ra lộc đúng mùa xuân.


Siêu thị nhộn nhịp


Không khí mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị đã bắt đầu nóng lên từ hai tuần nay. Theo dự báo, sức mua tại những điểm này có thể tiếp tục tăng  20 - 30% trong những ngày tới.


Tại siêu thị Intimex trên đường Nguyên Hồng, ngay từ 9 giờ sáng ngày 17/1, người dân đã tấp nập mua sắm. 10 giờ sáng, khi chúng tôi ra quầy thanh toán, mỗi quầy có đến 6, 7 xe hàng xếp sẵn chờ đến lượt. Cùng đi siêu thị với tôi, chị Minh Thư cho biết, chị phải tranh thủ mua sắm trong mấy ngày đầu tuần, vì đến cuối tuần người mua đông quá, không xếp hàng nổi. Ngoài ra, một lý do nữa là sắm sửa trước đề phòng giá cả có thể tăng vọt trong những ngày tới khi sức mua tăng cao.


Ngoài ra, đến thời điểm này, nhiều cơ quan công sở đã hoàn tất việc chi trả lương, thưởng cho nhân viên khiến sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại "nóng" dần. Siêu thị như Metro, Big C, Thái Hà, Fivimart, Hapro Mart… bất cứ thời điểm nào trong ngày lượng khách mua cũng nghìn nghịt khiến tất cả các quầy thanh toán đều hoạt động hết công suất. Nhiều khách hàng phải chờ đợi đến cả tiếng đồng hồ mới thanh toán được. Tại BigC và Metro, nhiều người không đủ kiên nhẫn đã bỏ hàng lại để thoát khỏi biển người trong siêu thị. Lượng khách đổ về mua sắm tại những siêu thị này không chỉ người dân Hà Nội mà còn có nhiều người ở các tỉnh, thành lân cận. Mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp này là các loại đồ khô như mộc nhĩ, nấm hương, măng, miến,  nước giải khát, bia, hạt dưa, hạt bí, bánh mứt kẹo...


Không chỉ mở cửa phục vụ đến 10 giờ tối, các siêu thị điện máy còn tung nhiều chương trình khuyến mại giá trị lớn, giảm đến 50% hay tặng tiền mặt cả chục triệu đồng cho sản phẩm bán ra để thu hút khách hàng mua sắm dịp Tết. Chính vì thế, những ngày này, siêu thị Media Mart, Pico hay TopCare... đều nườm nượp khách đến khuân hàng về.


Không khí mua sắm báo hiệu Xuân Nhâm Thìn đang đến rất gần, thời khắc đón năm mới chỉ còn đếm từng ngày. Người dân Hà Nội náo nức chờ đón năm mới với hy vọng năm "Rồng vàng" sẽ gặp nhiều may mắn và thuận lợi. Dù mưa có bay, trời có lạnh, phố có tắc đường, siêu thị phải chen chân, thì dường như nét vui mua sắm Tết vẫn rạng ngời trong ánh mắt mỗi người.

No comments:

Post a Comment