Tuesday, January 31, 2012

Hà Nội thay đổi giờ học: Băn khoăn trước giờ G

(GDTĐ)-Việc Hà Nội bắt đầu thực hiện thay đổi giờ học, giờ làm từ ngày mai (1/2) đối với 10 quận nội thành và 2 huyện ngoại thành khiến không ít sinh viên, phụ huynh và giáo viên băn khoăn bởi những xáo trộn sẽ xảy ra.


Việc điều chỉnh giờ áp dụng đối với một số nhóm đối tượng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học có trụ sở đóng trên địa bàn 10 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên và 2 huyện: Từ Liêm, Thanh Trì.




Học muộn hơn, phải đóng tiền ngoài giờ?


Theo quy định mới, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8h và kết thúc lớp học chiều vào 17h. Các trường được yêu cầu chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 sáng và quản lý học sinh đến 17h30 hàng ngày.


Với đối tượng là sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường trung học phổ thông sẽ bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h hàng ngày; kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h hàng ngày thay cho từ 7h30 phút và 18h30 phút so với trước kia.


Một phụ huynh có con học tại trường Herman Gmeiner Hà Nội cho biết, hôm họp phụ huynh vừa rồi, nhà trường đưa ra kế hoạch thu tiền ngoài giờ khi triển khai đổi giờ học. Lý do là theo quy định cũ, sáng 7h30 các cháu vào học, chiều 4h30 là tan. Bây giờ đổi giờ, 8h vào học, chiều  5h30 mới tan. Như vậy, phụ huynh đón con muộn hơn 1 tiếng so với trước kia. Nhà trường tính 1 tiếng đó là ngoài giờ (quản lí học sinh) và đưa ra mức thu là 5000đ. Theo phụ huynh này, dù chưa thực hiện, nhưng phụ huynh ai cũng bức xúc, nhưng vì sự an toàn của con nên chẳng ai giám phản đối.


Trước thông tin trên, hiệu phó trường Herman Gmeiner Hà Nội cho biết, đó mới chỉ là ý kiến do ban phụ huynh đưa ra chứ nhà trường không có chủ trương về việc thu thêm tiền. Nếu thống nhất ý kiến từ phía ban phụ huynh đưa lên, nhà trường cũng phải bàn lại. Tuy nhiên, cũng theo Hiệu phó trường này, vì là trường liên cấp nên việc đổi giờ, cấp nọ sẽ ảnh hưởng đến cấp kia, nhất là có những phụ huynh cả hai con cùng học ở trường và học hai cấp học khác nhau. “Hiện tạm thời trong tuần này trường vẫn thực hiện giờ dạy học như cũ” – hiệu phó trường Herman Gmeiner Hà Nội cho hay.


Trả lời về việc nếu có trường thực hiện thu tiền ngoài giờ khi đổi giờ học, ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định: Không việc gì phải thu, không hề có chủ trương thu thêm tiền của phụ huynh. Nếu thực sự có chuyện đó, Sở sẽ căn cứ vào thông báo cụ thể để xử lý.


“Học sinh về muộn qúa rất nguy hiểm”


Nếu như phụ huynh cũng như giáo viên tiểu học, mầm non không cảm thấy có nhiều xáo trộn hay ảnh hưởng đến việc dạy và học thì có nhiều ý kiến trái ngược đối với sinh viên cũng như giáo viên cấp học THPT.


Sinh viên Nguyễn Thị Trâm (trường ĐH Kinh tế quốc dân) lo lắng vì nếu thực hiện thời gian học mới, em sẽ phải dậy rất sớm, chậm cũng là 5h sáng mới kịp ăn sáng, đi xe bus đến trường học cho kịp 6h30 vào học. Nếu học chiều thì tan học lúc 19h là quá muộn, chắc em sẽ phải bỏ học tiếng Anh buổi tối dù đã theo một thời gian khá dài.


Cô Nguyễn Thị Thanh Bình – giáo viên trường THPTDL Lê Văn Thiêm cũng tỏ ra lo ngại khi học sinh của cô bắt đầu giờ học chiều và tan học quá muộn. Cô cho biết, như ở trường THPTDL Lê Văn Thiêm, nếu 3 giờ chiều mới vào học, 7h30 tan thì chất lượng dạy học sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Đơn cử như vấn đề ánh sáng học đường, nếu trường mất điện thì với tầm muộn như vậy chỉ còn cách cho học sinh nghỉ. Hơn nữa, học sinh, giáo viên kết thúc giờ dạy, học về đến nhà là 8 giờ tối là quá muộn. Theo cô Bình, nếu thay đổi, nên để bắt đầu giờ học từ 2 giờ là vừa. “Nhiều giáo viên đang yêu cầu nhà trường phải bố trí phòng nghỉ trưa vì không ít người phải dạy cả hai buổi, thời gian nghỉ trưa quá dài” – cô Bình cho biết thêm.


Lãnh đạo trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng – Hà Nội) bày tỏ: “Đối với mùa hè, 5h30 trời vẫn còn sớm, nhưng mùa đông 5 giờ đã tối, học sinh về muộn qúa rất nguy hiểm. Chúng tôi rất lo!”.


Hiếu Nguyễn

No comments:

Post a Comment