Monday, January 30, 2012

Tết Hà Nội trong tôi

Tết Hà Nội trong kí ức của tôi là những dây pháo hồng kêu đì đùng cuối ngõ, là niềm vui khi được cùng đại gia đình bên nội lên studio ở hang Khay chụp bức ảnh kỉ niệm đầu xuân. (Lê Yến Khanh, Fukuoka, Nhật)


Tết Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Tôi vẫn giữ thói quen của những ngày 30 tết ở Việt Nam: dọn dẹp nhà cửa, tắm Tất niên - mặc dù ngày nào theo lẽ tự nhiên thì ngày nào cũng phải tắm, lên mạng xem đồng bào tổ quốc ăn Tết ra sao, xem chương trình Táo Quân 2012.


Phải vậy, Tết với tôi ý nghĩa khi tôi được nghĩ lại từng chút, từng chút một về những mùa Tết đã qua và nơi chốn quen thuộc, nơi những mùa Tết của tôi đã đi qua không đâu khác là Hà Nội – mảnh đất thân yêu đã gắn bó với tôi hơn 20 năm qua, ôm ấp tuổi thơ của tôi và chứng kiến những thay đổi của bản thân tôi trong một thời gian không hề ngắn.


Tết Hà Nội trong kí ức tuổi thơ là những dây pháo hồng kêu đì đùng cuối ngõ; là niềm vui con trẻ khi được đi cùng đại gia đình bên nội lên studio ở Hàng Khay để chụp bức ảnh kỉ niệm đầu xuân, sau đó là sang nhà cụ ở 11 Hai Bà Trưng để thăm cụ (lúc cụ còn sống), tiếp đó là sang thăm đại gia đình bên ngoại ở ngõ Vân Hồ 3 (sau này thì chuyển sang Khương Thượng).


Tết là nỗi niềm thích thú mỗi khi nhìn thấy cây quất nhà bà ngoại luôn luôn là đẹp hơn nhà tôi, vì nó được trang trí bởi mấy cái quả lóng lánh mỹ miều ghê lắm mà bố mẹ mang từ Tiệp Khắc về tặng ông bà, chỉ đến Tết ông bà mới đem ra treo thôi; là cái nhìn chăm chú vào chiếc áo len còn đậm màu vì mới của thằng bạn nhà ở cùng ngõ Vân Hồ, bình thường nó trông đen đen bẩn bẩn mà Tết nhất nom cũng sạch sẽ lắm chứ.


Tết Hà Nội còn là nỗi sung sướng hân hoan khi được mặc cái váy hồng chóe mà bình thường chả mấy khi mẹ cho mặc; là mỗi lần giao thừa đứng sau mẹ, thấy mẹ nhìn vào quyển sách khấn gì đó, đọc làu làu như thuộc lòng, cũng học đòi đọc thử nhưng xem ra đọc không được nhanh cho lắm.


Tết cũng là cất cất dành dành đếm đếm những tờ tiền mừng tuổi thơm phức mùi giấy mới chứ ko phải mùi polime như bây giờ, rồi cuối Tết đưa cho mẹ, nhờ mẹ cất giùm; là những ngày mùng 1 Tết, ngồi chơi tam cúc ăn tiền với bà ngoại và mấy đứa em họ, hồi đó chỉ toàn 200, 500, hay 1000 VND/cây, thú thực là cho đến bây giờ tôi vẫn có thói quen chơi tam cúc với bà ngoại lúc Tết đến.


Và Tết Hà Nội ngày bé còn là khi tự nhiên thấy mình được quan tâm nhiều hơn, được nhìn thấy nhiều nụ cười hơn của bố mẹ, ít bị ăn mắng hơn, đơn giản là bố mẹ không bao giờ mắng vào những ngày Tết vì sợ dông cả năm, là những lúc hí hửng khai bút đầu xuân vào mùng 2 Tết vì theo lời mẹ thì ai khai bút đầu xuân sẽ chăm chỉ học hành suốt năm…


Lớn lên một chút, Tết Hà Nội là những ngày được đi chợ hoa cùng mẹ, được đi siêu thị mua đồ, được đi dọc những tuyến phố Hàng Mã, Hàng Khoai… Nếu như chưa thấy không khí Tết lắm thì hãy lên những con phố này để thấy rằng khí xuân đã rạo rực lắm rồi.


Tết còn là khi tôi tự ý thức nhận phần dọn dẹp nhà cửa, cả năm lười biếng, nhưng không hiểu sao đến Tết lại thích có trách nhiệm hơn, muốn đóng góp công sức gì đấy cho cái Tết của gia đình. Đúng là suy nghĩ của học sinh cấp 2 mà!


Những ngày học cấp 3, tôi học ở Chu Văn An thì Tết Hà Nội với tôi lại trải dọc theo những tuyến phố Thanh Niên – hồ Tây, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Phú, Kim Mã, Láng Hạ, Lê Văn Lương. Vì sao lại thế? Đơn giản chỉ bởi vì tôi đi xe buýt số 50 đi học và đó là tuyến đường mà xe buýt vẫn thường đi qua.


Đi bộ ra bến xe buýt, tôi thấy người ta chở quất, chở đào từ Nghi Tàm, Quảng Bá về nội thành, rồi người ta bán chậu cảnh, bán đào ở Láng Hạ, và tôi chợt giật mình nhận ra rằng, ừ, còn một tuần nữa thôi là Tết.


Những ngày học cấp 3, mấy hôm cuối đi học trước khi nghỉ Tết, tôi hay được bạn chở xe đạp đi ăn nem chua, bánh rán mặn với tào phớ chân trâu ở Hòe Nhai, sữa chua nếp cẩm ở Nguyễn Trường Tộ.


Và tôi nhìn thấy người ta tấp tấp nập nập, mua mua bán bán ở chợ cóc ven đường. Thấy những cô bán hàng rong gánh những gánh hàng nặng trĩu những trái phật thủ hình dạng lạ kì, những chùm quất vàng tươi roi rói còn đọng vài giọt nước trong veo, vài ba chùm ớt đỏ căng, chín mọng cho tươi tắn mâm ngũ quả đầu xuân.


Tôi cũng thấy tiếng gà vịt kêu choe chóe, mùi ngai ngái giòn tan của vại hành muối bay ra từ nhà nào đó, cái thoang thoảng thanh mát của mẻ bánh cốm vừa mới ra lò trên mấy cửa hàng dốc Hàng Than, cái rộn ràng và nhịp hối hả này, cái hương vị, âm thanh sống động ấy mới đúng là chốn kẻ chợ - với những là kẻ bán người mua. Và khi ta thấy cái phong vị ấy thì cũng có nghĩa là Tết đã đến gần lắm rồi đây.


Hết cấp 3, vào đại học, Tết Hà Nội cộng với thật nhiều những biến đổi trong cuộc sống của bản thân đã mang đến cho tôi những xúc cảm mới lạ, những cảm xúc mà trước đây tôi hình như chưa từng chạm đến!


Ngày Tết, tôi đặc biệt thích đi ra ngoài đường vào chiều 30. Hà Nội của tôi yên bình và hiền hậu biết bao nhiêu. Không còn nữa những bận bịu ngày thường, không còn nữa những tiếng còi ô tô xe máy gào rú rầm rĩ không ngớt, không còn những khói bụi đến nghẹt thở của những hàng dày xe cộ bên đèn đỏ ngã tư, không còn cái thứ ánh sáng lòa của chói mấy tấm biển hiệu đèn led quảng cáo ven đường…


Thay vào đó là những khoảng đường mênh mông hun hút theo hai hàng cây, là vài cơn gió se lòng người hay dăm ba hạt mưa xuân lất phất, là tiếng xe máy của chính tôi vang lên rồi mất hút trong không trung. Là những chậu hoa cúc lấm tấm vàng và những chậu hoa trạng nguyên đỏ rực còn lại trên mấy hàng hoa ven đường sau một thời gian dài bị người ta nâng lên đặt xuống.


Là đâu đó thứ ánh sáng le lói của cửa hàng tạp hóa còn mở cửa, là sắc đỏ tưng bừng của những chiếc lì xì xinh xinh đang đợi đến tay những vị khách cuối cùng. Là mùi khen khét và hơi ấm của đống vàng mã đang cháy dở bên đường của một nhà nào đó mới làm tất niên.


Trời lạnh, tôi thích nhất là đi ngang qua đống vàng mã đang cháy dở để tranh thủ tí hơi nóng sực từ đó. Mùi vị, âm thanh và những hình ảnh ấy, tôi muốn ôm trọn tất cả để cảm nhận được tròn vẹn nhất cái vị Tết mà bấy lâu nay người ta vẫn đang kiếm tìm.


Nhìn khuôn mặt những người đi bộ bên đường, tự nhiên tôi có cảm giác trìu mến và yêu thương bởi tôi biết rằng họ cũng đang cảm nhận như tôi về không gian, đất trời này. Cả năm trời với biết bao lo toan, vất vả, chiều 30 có lẽ là lúc người ta nên sống chậm lại và mỉm cười với những gì đã qua trong năm cũ cho dù nó có tốt đẹp hay không.


Hà Nội ngày 30 hoàn toàn không phải Hà Nội những ngày 1000 năm Thăng Long với ninh ních những người là người, với những thứ đèn trang trí lấp lánh, pano, áp phích, Hà Nội ngày 30 đẹp theo cách riêng của nó. Và đó là Hà Nội mà tôi coi như một phần cuộc sống của mình.


Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu tận hưởng Tết Hà Nội chỉ với những cảm xúc của bản thân. Tết Hà Nội đẹp hơn khi có người cùng ta chia sẻ, nó khiến ta nhớ nhung trong những ngày đi xa bởi nơi đó ta có người để yêu thương.


Hà Nội với tôi như một phần máu thịt cũng bởi mỗi nơi chốn, mỗi con đường, góc phố và cả những ngã rẽ nhỏ tôi đi qua đều thấp thoáng bóng dáng của một con người đã cùng tôi bước qua tất cả.


Và tôi nhớ đến giao thừa của ba năm đại học, với tôi giao thừa là lúc để ở cạnh một ai đó khiến mình có cảm giác ấm áp và yên tâm, và tôi chưa bao giờ hối hận khi đã tìm kiếm cảm giác đó ở những người đã cùng tôi đi qua những giao thừa của ba năm trước.


30 Tết và giao thừa năm nay, tôi không thể tận hưởng Hà Nội theo cách mà tôi vẫn làm nhưng ngồi và nghĩ lại về những cái Tết đã qua chả phải là một ý hay hay sao? Những nụ cười, những tiếc nuối, những buồn vui, mất mát, những thứ lấy lại được và không lấy lại được trong năm qua sẽ khiến con người ta nhận ra điều gì là quý giá.


Đi xa, tôi nhớ Hà Nội bởi nó như ngôi nhà tinh thần của tôi vậy, có những lúc tôi sợ Hà Nội kinh khủng khiếp, vì nó luôn nhắc tôi nhớ đến những gì không hay đã qua, ám ảnh tôi rất nhiều, tôi cũng chưa có cách gì để vượt qua được những thứ đó, nhưng mâu thuẫn làm sao khi cũng chính vì lẽ đó, tôi yêu Hà Nội hơn…


Nếu có cơ hội ở lại với Hà Nội vào dịp Tết, đừng quên tận hưởng nó theo một cách khác với ngày thường.


Chúc mừng năm mới Nhâm Thìn!


Lê Yến Khanh

No comments:

Post a Comment