Sunday, January 29, 2012

Vĩnh biệt Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc-một tình yêu Hà Nội

Theo thông tin từ gia đình Nhà giáo ưu tú Nguyễn Vinh Phúc, khoảng 3h ngày 28/1 (mùng 6 Tết), ông đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 86 tuổi. Lễ tang được tổ chức lúc 7-9h ngày 2/2 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Nhân Tông, Hà Nội).






Ông Nguyễn Vinh Phúc được người dân gọi thân mật với danh xưng không chính thức "nhà Hà Nội học" bởi ông đã dành trọn sự nghiệp nghiên cứu của mình cho Hà Nội, ra mắt nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về Thủ đô.

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú", được trao tặng giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" (năm 2009), được vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2010.


Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc sinh năm 1926, trong một gia đình trí thức Hà Nội, quê gốc ở vùng chợ Lưu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Khi về Hà Nội làm thầy giáo dạy sử và văn học, ông đã tự tìm tòi nghiên cứu về lịch sử Hà Nội để làm phong phú thêm cho bài giảng của mình. Những tìm hiểu ban đầu của ông mới chỉ để thu hút học sinh tìm hiểu kĩ hơn về lịch sử. Dần dần, cộng với niềm đam mê và gắn bó với Hà Nội, ông đã gắn mình với sự nghiệp nghiên cứu về Thủ đô và đã cho ra mắt nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về mảnh đất ngàn năm văn hiến.


Nhớ về ông, Giáo sư sử học Phan Huy Lê xúc động nói: Ông là Nhà Hà Nội học đầy tâm huyết và có rất nhiều cống hiến đối với việc tìm hiểu, khám phá, đặc biệt là khu trung tâm Hà Nội. Tôi còn nhớ mãi hình dáng ông với chiếc xe đạp bình dị nhưng buớc chân của ông gần như đã để lại trên hầu hết các di tích lịch sử văn hoá của Hà Nội. Gần như không có ngõ hẻm nào của Hà Nội ông không tới tìm hiểu và nghiên cứu.


Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, Nguyễn Vinh Phúc đã chọn cho mình con đường riêng để khám phá, để hiểu Hà Nội. Sinh thời, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc luôn tâm niệm: đã nghiên cứu về Hà Nội thì phải nghiên cứu sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, ông đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu, những tập sách, bài báo ông viết về lai lịch nguồn gốc của từng địa danh tưởng chừng như đã bị lịch sử bỏ rơi trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến; Có thể nói, tác phẩm của ông mang đậm chất “địa chí” về cõi đất, con người Hà Nội.


Cô Đinh Thúy Hằng- một học trò của nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc khi ông còn dạy ở truờng phổ thông cấp 3 B, khoá 1966-1969 kể lại: “Ngày xưa thầy dạy ở cấp 3- nơi chúng tôi học. Thầy là rất mẫu mực, giản dị và rất quý mến học trò. Nghiên cứu về Hà Nội, thầy Phúc có một cách nhìn sâu sắc, tuờng tận về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Qua những trang viết của thầy về Hà Nội, chúng tôi đuợc hiểu thêm về những di tích, đuờng phố…và chúng tôi lại thấy yêu Hà Nội hơn”.


Sự ra đi của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc đã mang theo một kho tàng hiểu biết rất uyên bác về Hà Nội. Những con phố Hà Nội nay sẽ vắng bước chân ông, Hà Nội vắng đi một nguời con ưu tú. Không cần chức tước, học hàm học vị nhưng những gì ông để lại cho chúng ta lại là một niềm đam mê và tình yêu lớn dành cho thủ đô ngàn năm văn hiến./.



Mỹ Trà - Phương Thúy/VOV- TTTin

No comments:

Post a Comment