Tuesday, January 17, 2012

Tập trung kiểm tra việc “chặt chém” du khách

Tập trung kiểm tra việc “chặt chém” du khách


TT - UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo các cơ quan liên quan lập kế hoạch và thường xuyên kiểm tra công tác tổ chức tại các điểm vui chơi, lễ hội trên địa bàn.



Tình trạng chở quá số lượng hành khách so với quy định tái diễn trong những ngày cận tết ở tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn (Quảng Ngãi) - Ảnh: Võ Minh

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định việc kiểm tra sẽ tập trung vào các nội dung như trông giữ xe thu không đúng giá quy định, lợi dụng ngày tết chèn ép du khách, nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý.


Thành lập 3 đoàn, kiểm tra 21 điểm tổ chức lễ hội


Theo ghi nhận, tại thời điểm này khá nhiều đơn vị tổ chức các điểm vui chơi, lễ hội đã đưa ra các chương trình tổ chức phục vụ du khách trong dịp Tết Nguyên đán. Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội - công viên Hồ Tây cho biết: “Giá vé vào cửa đã được niêm yết cụ thể trên vé nên muốn tăng cũng không tăng được. Còn các dịch vụ tổ chức trông giữ xe, toàn bộ đội ngũ trông giữ từ xe máy đến ôtô đều là người của đơn vị nên công ty cam kết thu phí theo đúng giá quy định của TP”.


Tương tự ông Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương, cũng cho biết: “Nét mới trong công tác tổ chức tại lễ hội chùa Hương năm nay là ban tổ chức lễ hội yêu cầu 4.300 đò chở khách ký cam kết không xin và thu thêm tiền bồi dưỡng của khách. Hiện nay tất cả chủ đò đều đã ký cam kết”.


Ông Hậu cho hay do lễ hội chùa Hương năm 2012 đã được TP cho phép điều chỉnh giá vé thắng cảnh và phí đi đò nên công tác tổ chức và quản lý các loại hình dịch vụ phải được phục vụ tương xứng.


“Bài của mỗi chủ đò là kêu vất vả để xin thêm tiền du khách. Năm nay giá vé và phí đi đò tăng, nếu chủ đò vi phạm cam kết hoặc để du khách phản ảnh là sẽ cho nghỉ” - ông Hậu khẳng định.


Theo phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội Lê Thị Tân Trang, để chấn chỉnh khâu tổ chức lễ hội, hiện sở đã thành lập ba đoàn kiểm tra. Bắt đầu từ mồng 4 tết sẽ tổ chức kiểm tra tại 21 điểm tổ chức lễ hội lớn trên địa bàn TP. Theo bà Trang, hiện tượng tranh giành khách, đi xe máy chặn ôtô đón khách và tự ý nâng giá dịch vụ như trông giữ ôtô, xe máy với giá quá cao ở chùa Hương cần chấm dứt.


Tàu xe: nơi thưa thớt, nơi tăng chuyến


Tại Hà Nội, sau hai ngày lượng khách tăng khi sinh viên về quê nghỉ tết (14 và 15-1), các bến xe ở Hà Nội trở lại nhịp độ hoạt động gần như ngày thường. Chiều 17-1, tại một số bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội như: bến Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình... lượng khách đổ về tương đối thưa thớt.


Bến xe Giáp Bát, nơi trung chuyển khách lớn nhất của Hà Nội, các hàng ghế chờ chỉ lác đác vài vị khách, phần lớn là người lao động. Cũng cảnh tượng trên là tại bến xe Mỹ Đình, theo ghi nhận của chúng tôi, cả buổi chiều 17-1 lượng khách về bến rất ít. Lê Văn Hùng, tài xế xe Thanh Hóa, cho biết: chỉ còn mấy hôm nữa là tết, dự định sẽ rất đông khách đi xe, nhưng suốt từ sáng đến chiều lượng khách lên xe rất ít. Từ 16g khách mới đông thêm một chút, xe rời bến vẫn chưa đủ khách.


Sự thưa thớt trên, theo nhận định của các nhà xe, là do khách đã về rải rác từ trước nên gần tết lượng khách không dồn ứ lại như mấy năm trước, khác với cảnh tượng chen nhau lên xe như mọi năm.


Ngày 17-1 tại ga Huế, từ sáng sớm dòng người xếp hàng chen lấn mua vé nhưng lượng vé bán ra chủ yếu đi vào các tỉnh phía Nam, trong khi chiều ra Bắc chỉ bán ra một ít vé phụ, phần lớn hành khách không mua được vé tàu phải chuyển sang đi xe khách.


Tại bến xe phía Bắc TP Huế đông nghẹt người chen lấn mua vé. Theo ghi nhận của phóng viên, do lượng sinh viên về quê khá đông khiến 100% chuyến xe xuất bến ra các tỉnh phía Bắc đều nhồi nhét quá tải, giá vé đã tăng 50-60%. Các tuyến Huế - Quảng Bình, Huế - Hà Tĩnh, Huế - Nghệ An -Thanh Hóa đã tăng cường 50 chuyến xe khách phục vụ trong dịp tết.


Ông Lê Viết Hoài, giám đốc bến xe phía Bắc, cho biết để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và sinh viên trong dịp tết, bến xe đã tăng cường gấp đôi lượng xe khách với khoảng 110 xe xuất bến mỗi ngày chạy ra các tỉnh phía Bắc.


Ghi nhận tại các bến xe, ga tàu ở Quảng Ngãi ngày 17-1, vé xe, tàu đi các tỉnh phía Bắc trước tết đã không còn. Ông Nguyễn Thanh Phong - phó giám đốc Công ty TNHH Chín Nghĩa - cho biết để phục vụ vận chuyển khách đi tuyến Quảng Ngãi ra các tỉnh phía Bắc và Hà Nội, hành khách đã đăng ký hết vé. Tại ga Quảng Ngãi, vé tàu đi các địa phương từ Quảng Bình trở ra hầu như đã hết vé, hiện nhà ga chỉ còn bán vé cho tuyến Quảng Ngãi đi các tỉnh phía Nam và TP.HCM.


Trong khi đó, tuyến tàu cao tốc, tàu hàng từ Sa Kỳ (TP Quảng Ngãi) đi đảo Lý Sơn những ngày qua rơi vào tình trạng quá tải hành khách. Mỗi ngày trên tuyến này chỉ có một tàu khách cao tốc vận chuyển được 120 hành khách. Thế nhưng lượng hành khách ra vào huyện đảo Lý Sơn những ngày giáp tết tăng cao, trung bình khoảng 350 hành khách/chuyến và những ngày cao điểm sắp tới sẽ tăng lên gấp đôi.


Ngày 17-1, bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết từ hôm nay đến 22-1 (29 tháng chạp) huyện sẽ tăng cường hoạt động của đội tàu cao tốc. Theo đó, mỗi ngày có hai chuyến tàu cao tốc chở khách từ đất liền ra đảo, xuất phát tại bến Sa Kỳ lúc 8g và tăng thêm chuyến 11g hằng ngày.


Còn tại Cần Thơ, ngày 17-1, ông Trần Nguyễn Đức Phong, giám đốc Xí nghiệp vận tải hành khách công cộng TP Cần Thơ, cho biết từ 23 đến 28-1 (tức mồng 1 đến mồng 6 tết) xí nghiệp sẽ tổ chức cho xe buýt hoạt động kéo dài thời gian đến 19g30 phút (buổi sáng xuất bến lúc 5g30) nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp tết.


Bên cạnh đó, xí nghiệp cũng sẽ tăng tần suất hoạt động của các xe. Cụ thể: ba tuyến Cần Thơ - Cái Tắc, Cần Thơ - Ô Môn, Ô Môn - Lộ Tẻ đều có tần suất xuất bến 8 phút/chuyến; tuyến Lộ Tẻ - Kinh B 14 phút/chuyến; Ô Môn - Cờ Đỏ 15 phút/chuyến. “Ngoài ra xí nghiệp cũng sẽ bố trí tám xe buýt dự phòng tăng cường khi có lượng khách tăng đột biến hoặc giải tỏa khách đi các tỉnh khi có yêu cầu của Sở Giao thông vận tải TP”, ông Phong cho biết thêm.




Từ ngày 1-2, nhiều tuyến xe khách phải đi đường Hồ Chí Minh


Ông Nguyễn Văn Quyền - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết Tổng cục Đường bộ vừa có công văn đề nghị các sở GTVT các tỉnh, thành phố thực hiện việc lựa chọn điều chỉnh ôtô chở khách tuyến cố định Bắc - Nam đi theo đường Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội - Vinh từ ngày 1-2. Đây là chủ trương của Bộ GTVT nhằm khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh và để phục vụ việc nâng cấp, cải tạo, giảm ùn tắc cho quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh.


Cụ thể, xe khách chạy tuyến cố định có cự ly từ 1.000km trở lên xuất phát từ các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đi các tỉnh phía Nam sẽ phải đi theo đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hà Nội đến Vinh (và ngược lại) theo hướng tránh từ Xuân Mai (Hà Nội) - đường Hồ Chí Minh - rẽ theo quốc lộ 48 xuống quốc lộ 1 đến Vinh.


Đối với các tuyến xe khách có cự ly trên 300km đến dưới 1.000km sẽ do các sở GTVT lựa chọn các hãng xe phù hợp để chuyển khoảng 30% số lượng xe đang hoạt động trên quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh (và ngược lại) chuyển sang đi đường Hồ Chí Minh. Đối với xe tải có tải trọng dưới 30 tấn, xe chở khách du lịch, xe vận tải theo hợp đồng có hành trình chạy qua đoạn Hà Nội - quốc lộ 1 - Vinh thì khuyến khích chuyển sang đi đường Hồ Chí Minh chứ chưa bắt buộc, cưỡng chế.


T.PHÙNG

NHÓM PV TUỔI TRẺ

No comments:

Post a Comment