Tuesday, April 3, 2012

Giáo dục Hà Nội: Cần trên 70 nghìn tỷ và 12 triệu m2 đất

Từ quy hoạch

Trong 10 năm qua, hệ thống giáo dục của thủ đô giữ vững quy mô, duy trì và phát triển đa dạng các loại hình trường lớp và hình thức học tập, số trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh, chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn tăng cao. Mục tiêu của Hà Nội trong thời gian tới là nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục…

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội sáng nay, đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất một trường mầm non công lập kiên cố, tiểu học công lập, THCS công lập. Đảm bảo ba đến năm vạn dân có một trường THPT công lập. Xây dựng mới các trường trung cấp chuyên nghiệp, cụm Trung cấp chuyên nghiệp tại một số khu vực theo quy hoạch chung của TP.

Quy mô trường THCS và THPT xây mới không quá 45 lớp/trường; mỗi lớp trung bình 40 - 45 học sinh. Diện tích đất xây dựng trường mới tối thiểu ở nội thành 6 m2/học sinh. Khu vực ngoại thành 10 m2.

Với quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, TP Hà Nội cần xây mới 1215 trường học với hơn 12 triệu m2 đất, kinh phí trên 71 nghìn tỷ đồng (trong đó có gần 30 nghìn tỷ huy động từ cộng đồng).

Các giải pháp đưa ra để thực hiện mục tiêu của quy hoạch này là đưa một số trường trung cấp chuyên nghiệp ở khu vực nội thành ra ngoại thành để diện tích đất đảm bảo đủ chuẩn, dành cơ sở cũ xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS. Hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa để giảm tải tăng dân số cơ học. Đồng thời, sử dụng quỹ đất 5% của các xã dành cho phục vụ công cộng. Tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác. Mở rộng diện tích đất và nâng thêm tầng các trường học hiện có trong khu vực nội thành, bố trí học sinh học các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao.

Đến thực tế

Thực tế, việc Hà Nội thiếu đất xây dựng trường học không phải là vấn đề mới. Tình trạng một số địa phương “trắng” trường mầm non, phụ huynh chầu chực đêm hôm để mua hồ sơ cho trẻ đi học mẫu giáo vẫn còn. Nhiều khu đô thi mới đi vào hoạt động không có trường cho trẻ. Hầu hết các trường mầm non công lập nội thành đều quá tải. So với quy định tối đa không quá 35 cháu/lớp, nhưng thực tế nhiều trường lên tới 65 đến hơn 70 cháu/lớp. Cao nhất là trường mầm non Hoa Sen ở khu Nam Thành Công quận Đống Đa, có lớp lên tới trên 70 cháu.

Do đó, theo Trưởng ban Văn hóa – Xã hội của HĐND TP Hà Nội– cơ quan chủ trì việc thẩm tra, việc xác định chỉ tiêu diện tích đất /học sinh tại các quận,, huyện, thị xã như báo cáo quy hoạch là chưa hợp lý và chưa khoa học. Việc xác định chủ tiêu diện tích đất/học sinh nên theo hướng, đối với các địa phương khó khăn về đất thì áp dụng mức tối thiểu, đó là cấp mầm non 8m2/học sinh, các cấp học còn lại 6m2/học sinh.

Với đề nghị xây dựng thêm 29 trường Trung cấp chuyên nghiệp thì TP cũng cần phải xem xét lại về khả năng cạnh tranh về phát triển khi mà trên địa bàn Hà Nội tập trung nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của trung ương.

Một vấn đề nữa, đó là sự không phù hợp giữa thực trạng phát triển đô thị và tăng dân số cơ học ở một số địa phương như quận Hà Đông, Hai Bà Trưng với quy mô quy mô dân số trong bản quy hoạch chung xây dựng thủ đô sẽ phá vỡ quy hoạch mạng lưới trường học ở các địa phương. Việc tăng số lượng trường, nâng diện tích m2/học sinh tại các hệ thống trường học là tốt nhưng nhiều thành viên cơ quan thẩm tra lo ngại về nguồn lực tài chính, đất đai để thực hiện quy hoạch.

Hồi đầu tháng 3-2012, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện rà soát khu đô thị trên địa bàn, kiên quyết thu hồi những dự án đã bàn giao cho chủ đầu tư quá 12 tháng mà chưa thực hiện hoặc khu đất có chủ đầu tư vi phạm quy định sử dụng đất, nằm ở khu vực thiếu trường học.

Lãnh đạo thành phố cũng đề ra chủ trương đầu tư trường học bằng nguồn vốn ngân sách tại khu đô thị mới ngay giai đoạn chấp nhận đầu tư. Chủ đầu tư khu đô thị phải dành quỹ đất cho trường học. Với khu đất đã xác định chức năng xây dựng trường học thì tuyệt đối không được chyển đổi mục đích sang nhà ở.

Như vậy, rõ ràng là các mục tiêu của quy hoạch phát triển giáo dục và quy hoạch mạng lưới giáo dục của TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã vẽ ra bức tranh khá toàn diện về vấn đề này, không còn cảnh thiếu đất, thiếu trường do hệ thống giáo dục phủ khắp. Tuy nhiên, liệu những giải pháp như tận dụng, hạn chế, điều chuyển… có thực sự giải được bài toán này hay không? Đại biểu huyện Từ Liêm cho rằng, quy hoạch là lâu dài nên cần có tầm nhìn lâu dài. Cần gắn quy hoạch ngành với quuy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phân khu vì đất không thể “nặn” ra được.

Box:

Hà Nội sẽ có thêm 25 bệnh viện vào năm 2020

Theo Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế trên địa bàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do UBND TP Hà Nội trình tại Kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội ngày 3-4 thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 25 bệnh viện với quy mô khoảng 8.850 giường bệnh. Các bệnh viện này sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Quy hoạch y tế Hà Nội sẽ mở rộng diện tích các bệnh viện ở ngoại thành khi còn quỹ đất và phù hợp với quy hoạch đô thị nhằm tăng diện tích sử dụng để chống quá tải; từng bước di chuyển các bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm nặng ra khỏi khu vực nội thành, nơi đông dân cư; tiếp tục đầu tư 19 dự án, trong đó nâng cấp 15 bệnh viện; mở rộng và nâng cấp 4 bệnh viện.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xây dựng chín trạm cấp cứu vệ tinh gắn với các trung tâm đô thị, nông thôn tại các khu vực: Mỹ Đình, khu đô thị mới Bắc Thăng Long, đô thị Hòa Lạc, Thường Tín hoặc Phú Xuyên, Đô thị Sơn Tây, Vân Đình, Xuân Mai, Phùng, Sóc Sơn. Hướng tới xây dựng 3 bệnh viện cấp cứu tại các khu vực: Sóc Sơn, Tây tại đô thị Hòa Lạc, phía Nam Phú Xuyên.

No comments:

Post a Comment