Tuesday, April 3, 2012

Hà Nội phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng hiện đại

Theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, mạng lưới đường sắt đô thị gồm năm tuyến là huyết mạch của hệ thống vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Tuyến đường sắt đô thị số 1, Ngọc Hồi -Yên Viên - Như Quỳnh, vận chuyển hành khách từ khu vực ngoại thành phía đông bắc đi qua khu vực trung tâm thành phố và ngược lại. Tuyến số 2, sân bay Nội Bài- trung tâm thành phố - Thượng Ðình là tuyến"xương sống" cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, bởi nối sân bay Nội Bài và khu đô thị mới Ðông Anh, khu hành chính mới ở huyện Từ Liêm, khu phố cổ, khu phố có kiến trúc kiểu Pháp tới Thượng Ðình. Tuyến số 3, Nhổn-ga Hà Nội - Hoàng Mai nối khu vực phía tây, đi qua trung tâm thành phố, tới khu vực phía nam thành phố, kết nối với tuyến số 1 tại Ga Hà Nội. Tuyến số 4, Ðông Anh - Sài Ðồng - Vĩnh Tuy - Thanh Trì - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh, là tuyến chạy vòng tròn, kết nối các tuyến số 1, 2, 3, nhằm đa dạng hóa nhu cầu giao thông và gắn kết với các dự án phát triển đô thị. Tuyến số 5, từ phía nam Hồ Tây- Ngọc Khánh đi đến Láng- Hòa Lạc sẽ giao cắt với tuyến số 2 ở Ngọc Khánh và giao với tuyến số 3 ở Láng- Hòa Lạc, có chức năng kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị, Khu Công nghệ cao, Ðại học Quốc gia nằm trên trục đường Láng - Hòa Lạc...

Ngoài năm tuyến đường sắt đô thị nói trên, tại Ðề án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố xác định thêm ba tuyến đường sắt đô thị mới là: Nội Bài - Phú Diễn - Hà Ðông - Ngọc Hồi; Mê Linh - An Khánh - Dương Nội và Mai Dịch - Yên Sở - Lĩnh Nam - Dương Xá. Ga Hà Nội sẽ trở thành tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ đô thị đa năng và là đầu mối trung chuyển hành khách giữa các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia.

Hiện nay, thành phố đang triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội, dài 12,5 km, trong đó có 8,5 km đi trên cao (đoạn từ Nhổn đến Thủ Lệ) và 4 km đi ngầm (đoạn từ Thủ Lệ đến ga Hà Nội). Các đơn vị liên quan đã tiến hành di chuyển các đường dây ngầm, nổi, đoạn từ Cầu Diễn đến khách sạn Daewoo, để phục vụ thi công. Dự kiến cuối năm nay, đoạn đường ngầm dài khoảng 4 km từ Thủ Lệ đến ga Hà Nội sẽ được khởi công. Hoàn thành thi công toàn tuyến trong năm 2016.

Ngoài ra, thành phố đang tích cực triển khai dự án tàu điện trên cao Cát Linh- Hà Ðông, dài hơn 13 km, chạy trên dải phân cách các trục đường Cát Linh-La Thành-Láng, Nguyễn Trãi, Trần Phú đến Yên Nghĩa (quận Hà Ðông). Các đơn vị thi công phấn đấu đến quý II-2015, hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng.

Bên cạnh loại hình đường sắt đô thị, tàu điện trên cao, thành phố đầu tư hệ thống xe buýt nhanh, vận chuyển khối lượng lớn trên các hành lang: Long Biên - Hà Ðông - Xuân Mai; Hồ Tây - Trần Duy Hưng - Hòa Lạc; Nội Bài - Mỹ Ðình - đường vành đai 3; Long Biên - Gia Thụy - Hải Dương; ga Hà Nội - Giáp Bát - Phú Xuyên; Cầu Giấy - Phùng - Sơn Tây. Hệ thống xe buýt nhanh có công suất vận chuyển đạt 15 nghìn khách/giờ/tuyến, với tốc độ lưu thông nhanh hơn đáng kể so với xe buýt hiện nay.

Ðể phát huy hết năng lực phục vụ của mạng lưới đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt nhanh, mạng lưới xe buýt sẽ được sắp xếp, điều chỉnh lại, bảo đảm trung chuyển hiệu quả hành khách, kết nối giao thông thuận tiện giữa khu vực đô thị"lõi" với các đô thị vệ tinh, trung tâm quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu đô thị mới... Thành phố đã có Ðề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Thủ đô giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đề án, đến năm 2015, mạng lưới tuyến buýt phát triển từ 79 tuyến hiện có lên 91 tuyến và một tuyến xe buýt nhanh; số lượng hành khách ước tính đạt 2,14 triệu lượt người/ngày, đáp ứng khoảng 15% tổng nhu cầu đi lại. Giai đoạn 2016-2020, mạng lưới tuyến buýt có 101 tuyến (98 tuyến buýt và ba tuyến BRT), số lượng hành khách đạt 3,36 triệu lượt người/ngày, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn. Hệ thống điều hành xe buýt được hiện đại hóa với hệ điều hành linh hoạt, hệ thống vé thông minh và hệ thống thông tin thân thiện khách hàng...

Cùng với việc nâng cao năng lực vận tải bằng xe buýt, phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng hiện đại, thành phố sẽ áp dụng một số chính sách nhằm hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân như tổ chức các tuyến phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm, trong khu phố cổ...

Các dự án vận tải hành khách công cộng hiện đại khi hoàn thành không chỉ tạo chuyển biến cơ bản hệ thống giao thông Hà Nội, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, mà còn tạo những nét hiện đại, khỏe khoắn, xứng với tầm vóc Thủ đô thời kỳ hội nhập.

No comments:

Post a Comment