Wednesday, April 4, 2012

Quy hoạch y tế Hà Nội: Tranh cãi nhiều, “bấm nút” nhanh

Kéo dân về chữa bệnh tại phường, xã

Theo giải trình của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, TP Hà Nội cần xây dựng thêm bệnh viện Nhi và hàng loạt bệnh viện khác vì tình trạng quá tải đã trở nên ngày càng bức xúc. Quy mô bệnh viện cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng (cụ thể là 1-2ha/bệnh viện).

Ông Hiền cho biết, trước đây các bệnh viện đều hoạt động trên nền của bệnh viện cũ hoặc chia tách từ một bệnh viện mà thành, không đảm bảo số giường cho các bệnh nhân thăm khám, điều trị. Do đó, TP cần rà soát, điều chỉnh bổ sung các quỹ đất để thực hiện.

Với bản quy hoạch mới, trong vòng 18 năm tới, TP Hà Nội sẽ có thêm khoảng 25 bệnh viện. Hàng chục nghìn tỷ đồng và một quỹ đất khổng lồ chưa biết lấy ở đâu. Tuy nhiên, theo đại biểu Đặng Đình An – Đống Đa, việc xây dựng thêm 25 bệnh viện mới không giải quyết được cơ bản vấn đề quá tải mà chỉ giải quyết được một phần vì dân thường có tâm lý chạy thẳng lên tuyến trung ương.

Giải pháp đặt ra là thay vì xây mới, Hà Nội nên nâng cấp cơ sở y tế ở cấp phường, xã để đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân từ cơ sở. Nếu chất lượng dịch vụ tốt, người dân sẽ đỡ chi phí đi lại, chầu chực ở những bệnh viện đông nghẹt người. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện phát hiện dịch bệnh sớm để có kế hoạch phòng dịch. Đi đôi với việc đó, cần chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất đồng bộ với nguồn nhân lực.

Một số vấn đề quan trọng nữa chính là công tác phòng ngừa, xử lý, dập dịch bệnh lây lan, an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý rác thải bệnh viện – nguồn gốc của nhiều ổ dịch nguy hiểm. Nhưng theo bản quy hoạch, các vấn đề này vẫn chỉ được trình bày mang tính chất chung chung theo hướng “sẽ xây dựng…”.

25 bệnh viện, y bác sỹ ở đâu?

Nhiều đại biểu lo ngại về số lượng y, bác sĩ cho 25 bệnh viện “tương lai”.

Với mạng lưới y tế hiện tại, tình trạng thiếu bác sĩ, y tá, dược sĩ còn chưa giải quyết, xây dựng thêm các bệnh viện, nguồn nhân lực càng là vấn đề. Khi mà trạm y tế cũng còn thiếu bác sĩ, chưa bổ sung được, cần tính đến tính khả thi của việc xây thêm bệnh viện.

“ Có 18 năm để xây 25 bệnh viện, quy hoạch đòi hỏi số lượng y bác sỹ rất lớn, nhưng giải trình của Sở Y tế mới đưa ra những giải pháp mang tính tình thế, vụn vặt chứ không mang tính chiến lược”, đại biểu An nói.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Phong – Sóc Sơn, quy hoạch cần xác định rõ lộ trình ưu tiên thực hiện, trong đó cần ưu tiên xây dựng đội ngũ. TP Hà Nội cần sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai trường đại học y, dược.

Ông Phong cho biết, hiện tại ở huyện, đội ngũ bác sĩ chuẩn của huyện (học ở Đại học Y Hà Nội) về cơ bản đã xin chuyển hoặc ra bên ngoài làm hết. Hiện chỉ còn những bác sĩ học tại chức, trung cấp, cao đẳng nên không đảm bảo chất lượng.

“Chúng ta hình thành chuỗi đô thị vệ tinh hút dân nội thành, giữ chân dân ngoại thành, hạ tầng xã hội (y tế, văn hóa, giáo dục) phải tương đương hoặc gần bằng nội thành. Nếu không đáp ứng được thì mục tiêu của chúng ta đặt ra sẽ không đạt được. Không có bệnh viện đủ chuẩn cho dân, giờ đây chúng ta lại muốn đưa các bệnh viện truyền nhiễm, tâm thần, bãi rác, nghĩa trang ra ngoại thành…rất khó thực hiện. Do đó, TP cần có quyết tâm thực hiện với cách thức triển quyết liệt hơn”- ông Phong kiến nghị.

Mặc dù Giám đốc Sở Y tế khẳng định, việc xây dựng các bệnh viện mới phải đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường, đảm bảo hệ thống xử lý chất thải, nhưng với những địa phương được “chọn” để làm lại đầy tâm lý e ngại.

Theo quy hoạch, một số vùng như Ba Vì, Sơn Tây vốn đang có thể mạnh phát triển về du lịch sinh thái, nhưng trong quy hoạch sẽ “tiếp nhận” bệnh viện lao, phổi. Đó là những vấn đề mang tính xã hội nằm ngoài quy hoạch chuyên môn thuần tuý cần tính đếm.

Tuy có nhiều ý kiến tranh luận, xong bản quy hoạch phát triển hệ thống y tế Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được các đại biểu bấm nút thông qua chiều nay với tỷ lệ 87,4%.

No comments:

Post a Comment