Monday, February 27, 2012

Hà Nội: Gia cầm “trốn” kiểm dịch, giết mổ tại chợ

Gia cầm lọt qua chốt kiểm dịch


Ngọc Hồi là một trong những chốt kiểm dịch quan trọng khi hàng ngày có một lượng lớn gia cầm từ cửa ngõ phía Nam vận chuyển vào Hà Nội. Tuy nhiên, cán bộ kiểm dịch chỉ kiểm tra bằng kinh nghiệm và cảm quan chứ không có máy móc, phương tiện. Sáng 24/2 khi đi qua chốt kiểm dịch này chúng tôi chứng kiến cảnh một số người vận chuyển gia cầm bằng xe máy được che đậy kín phóng với tốc độ cao, lách sau ôtô tải để “trốn” kiểm dịch.


Theo ông Nguyễn Hoài Phi, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Ngọc Hồi thì gia cầm vận chuyển qua QL1 cũ ít vì người ta đi vào đường liên xã để vận chuyển vào nội thành. Gia cầm đi qua Trạm Ngọc Hồi chủ yếu là đã giết mổ từ chợ Hà Vĩ đưa về. Khi bị kiểm tra, người vận chuyển xuất trình giấy kiểm dịch. Nhưng để biết gia cầm đó có đúng với trong giấy kiểm dịch hay không thì cán bộ ở đây chỉ có cách là kiểm tra bằng mắt thường.


Theo phản ánh của người dân thì để trốn kiểm dịch, người vận chuyển gia cầm sống đi vào đường liên xã Đại Áng và Liên Ninh, huyện Thanh Trì để vào nội thành. Chính vì thế mà chốt kiểm dịch ở đây nhiều lúc cán bộ ngồi không.“Họ đi vào đường liên xã chúng tôi đành chịu vì không có chức năng xử lý ở những chỗ đó. Còn gà sống chở qua chốt hầu như nguỵ trang kín, lấp sau xe tải. Nếu họ chở bằng ôtô càng khó phát hiện vì xe kín mít. Từ đầu mùa dịch đến nay chúng tôi phát hiện 4 trường hợp vận chuyển gia cầm giết mổ từ chợ Hà Vĩ đưa về không có giấy kiểm dịch. Kiểm tra bằng mắt thường không thấy có biểu hiện dịch bệnh nên chúng tôi chỉ xử lý hành chính” - ông Phi cho biết.


Mỗi ngày tại cửa ngõ phía Nam có khá nhiều gia cầm “lọt” vào nội thành chưa qua kiểm dịch, nguy cơ gia cầm bệnh trà trộn bán cho người tiêu dùng là không tránh khỏi. Cảnh gia cầm vận chuyển lén lút hoặc nguỵ trang nấp sau xe tải cũng xảy ra tương tự ở chốt kiểm dịch Hải Bối. Trước dịch cúm gia cầm tái phát ở nhiều tỉnh, thành, Chi cục Thú y Hà Nội chỉ đạo 10 chốt kiểm dịch tăng cường công tác kiểm dịch 24/24h.


Kiểm tra còn hời hợt


Không chỉ “lọt” qua chốt kiểm dịch, gia cầm sống vẫn ngang nhiên bán ở những tuyến phố trung tâm Hà Nội mà không thấy chính quyền và lực lượng thú y kiểm tra, xoá bỏ. Còn người tiêu dùng vẫn lơ là với dịch, vẫn mua bán gia cầm sống không được kiểm dịch.


Trịnh Hoài Đức kéo dài là tuyến phố lớn và đẹp, nhưng lâu nay ở đây vẫn tồn tại cảnh lồng gà sống bày bán ngay mặt phố. Ngày 24/2, đi qua đây chúng tôi thấy người dân vẫn ngang nhiên bán gà sống chưa qua kiểm dịch. Từ năm 2006 Hà Nội đã cấm buôn bán, giết mổ gia cầm sống ở nội thành, nội thị. Tuy thế, hiện vẫn còn nhiều chợ, nhiều nơi bán gà sống và giết mổ ngang nhiên như ở chợ Nghĩa Đô, chợ Mai Động, chợ cóc Hào Nam, ngõ chợ Khâm Thiên…Phố Nguyễn Phúc Lai là điển hình. Đây là con phố hẹp, ướt lép nhép của những ngày mưa phùn cộng với việc buôn bán và giết mổ gà sống ngay trên chợ cóc của phố này gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng không hiểu sao phường Ô Chợ Dừa và Chi cục Thú y quận Đống Đa vẫn để tình trạng này tái diễn?



Gia cầm sống bán ở phố Trịnh Hoài Đức.

Bà Đỗ Thị Tú, Trạm trưởng Trạm thú y quận Đống Đa thừa nhận việc kinh doanh giết mổ gia cầm sống còn diễn ra ở phố Trịnh Hoài Đức và Nguyễn Phúc Lai. “Phường Cát Linh đã ra quân xử lý và chỉ thu giữ được 2 con gà sống ở phố Trịnh Hoài Đức do chủ hàng bỏ chạy. Còn ở phố Nguyễn Phúc Lai có 2 hộ giết mổ trong nhà rất khó kiểm tra vì thấy lực lượng họ đóng cửa ngay” - bà Tú cho biết. Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ 2 hộ giết mổ trong nhà mà ở đây có tới vài hộ bán và giết mổ gia cầm ngay tại đường đi chật chội. Xem ra việc kiểm tra, xử lý không hiệu quả nên các hộ này mới cố tình vi phạm như vâyh? “Quan điểm của chúng tôi là cương quyết kiểm tra, xử lý, không để cảnh giết mổ mất vệ sinh diễn ra ngay trong nội thành. Nhưng không có lực lượng trực 24/24h nên rất khó” - bà Tú cho biết thêm.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia cầm sống bán ở Hà Nội được đưa từ các tỉnh về, trong đó có những tỉnh đang có dịch. Gia cầm sống này đều chưa qua kiểm dịch và đưa vào giết mổ ngay tại nội thành là một mối nguy hiểm khó lường. “Dù kiểm tra xong chúng tôi đều phun thuốc tiêu độc nhưng vẫn không ăn thua”- bà Tú cho hay. Do vậy, việc kiểm tra, tịch thu gia cầm không rõ nguồn gốc, không dấu kiểm dịch phải tăng cường, tránh hình thức, lấy lệ như hiện nay. Người tiêu dùng nên thay đổi thói quen, hãy mua gia cầm đã giết mổ, có dấu kiểm dịch, có thế thì mới không còn tình trạng gà sống bán ở nội thành

No comments:

Post a Comment