Monday, June 10, 2013

Ha Noi: Ket qua thi diem dua tieng Nhat vao truong hoc

Hà Nội: Kết quả thí điểm đưa tiếng Nhật vào trường học

TS. Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: VGP/Từ Lương

TS. Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về quá trình triển khai dạy và học ngoại ngữ này trên địa bàn Thành phố.

Tiếng Nhật không phải là ngôn ngữ thu hút được học sinh bằng những ngoại ngữ được xem là truyền thống như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga. Vậy ngành Giáo dục Hà Nội chọn để triển khai dạy thứ tiếng này trong hoàn cảnh nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Hữu Độ: Năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta cùng với Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội bắt đầu hợp tác xúc tiến chương trình thí điểm dạy và học tiếng Nhật trong bậc THCS và THPT.

Đến năm học 2004-2005, tiếng Nhật được đưa vào giảng dạy thí điểm lần đầu tiên tại Hà Nội dưới hình thức là môn học ngoại khóa tại Trường THCS Chu Văn An với quy mô 2 lớp (60 học sinh). Năm học 2005-2006, tiếp tục được triển khai giảng dạy tại một số trường: THCS Lý Thường Kiệt, Trường Lomonosov và Trường phổ thông Phương Nam.

Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho việc đưa tiếng Nhật vào chương trình chính khóa với tư cách là ngoại ngữ thứ nhất tại Trường THCS Chu Văn An và THCS Lý Thường Kiệt.

Sau 10 năm, đến năm học 2012-2013, số lượng trường tham gia dạy và học tiếng Nhật đã tăng lên 13 trường, với tổng số học sinh tham gia lên đến trên 3.500 em ở 8 trường THCS công lập và 2 trường ngoài công lập, 3 trường THPT công lập.

Ông có thể cho biết khó khăn, thuận lợi cơ bản xung quanh việc đưa tiếng Nhật vào trường phổ thông?

TS. Nguyễn Hữu Độ: Tiêu chuẩn của lớp học ngoại ngữ bao giờ cũng đặt sĩ số thấp là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên ở những lớp tiếng Nhật ở Hà Nội thì trung bình có tới 45 học sinh/lớp nên chưa phải là điều kiện tối ưu để học tốt một ngôn ngữ khó như tiếng Nhật. Ngoài ra chúng ta vẫn thiếu phòng học tiếng Nhật riêng biệt với các trang thiết bị hỗ trợ cần thiết.

Tiếng Nhật học càng lên cao càng khó, việc tìm ra cách để duy trì hứng thú của học sinh trong suốt 4 năm THCS là điều giáo viên còn trăn trở. Nhiều học sinh vẫn coi việc học tiếng Nhật như một môn học thêm, học phụ nên chưa dành thời gian và sự tập trung cần thiết...

Đối với giáo viên dạy tiếng Nhật tại Hà Nội, chủ yếu là hệ hợp đồng nên vẫn còn nhiều thiệt thòi về chế độ, chính sách của Nhà nước. Đến nay, trong tổng số 13 trường, chỉ mới có Trường THCS Chu Văn An bắt đầu tuyển dụng biên chế đối với giáo viên dạy tiếng Nhật.

Bên cạnh đó, việc dạy và học Tiếng Nhật đã nhận được sự quan tâm của các cấp từ Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TP. Hà Nội, Ban Giám hiệu các trường và đặc biệt là từ phụ huynh.

Học sinh tham gia chương trình học tiếng Nhật có nhiều cơ hội để du học tại Nhật Bản hoặc tham gia các chuyến giao lưu văn hoá tại Nhật theo chương trình của Quỹ hỗ trợ giao lưu văn hóa Nhật Bản. Vì vậy, chương trình nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội, phụ huynh học sinh ngày càng tin tưởng vào Dự án, đồng thời tạo mọi điều kiện để các em học sinh học tập tốt hơn.

Trong một lớp học tiếng Nhật. Ảnh minh họa

Vậy tiếng Nhật có triển vọng thu hút được học sinh ở Hà Nội hay không, thưa ông?

TS. Nguyễn Hữu Độ: Có hai cơ sở để có thể nhận định tiếng Nhật đang thu hút sự quan tâm của học sinh Thủ đô.

Thứ nhất, từ hai lớp thí điểm dạy học tiếng Nhật tại Trường THCS Chu Văn An như một môn ngoại khóa với 60 học sinh tham gia, đến nay quy mô số trường, số lớp và học sinh tham gia dạy - học tiếng Nhật đã tăng lên đến 13 trường với tống số hơn 3.500 học sinh. Tiếng Nhật tại nhiều trường đang được giảng dạy không phải là ngoại ngữ hai mà được chú trọng như một môn chính khóa (ngoại ngữ thứ nhất).

Thứ hai, nhiều phụ huynh cũng có định hướng cho con theo học tiếng Nhật suốt thời kỳ học phổ thông (từ cấp THCS lên cấp THPT) để du học tại Nhật Bản. Vì vậy, số học sinh học xong lớp 9 đã tiếp tục vào lớp tiếng Nhật ở cấp THPT hoặc vào lớp chuyên Nhật của trường Chuyên Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Và ông có kiến nghị gì để tiếng Nhật thực sự trở thành ngôn ngữ có sức hút mạnh mẽ trong giới trẻ hiện nay?

TS. Nguyễn Hữu Độ: Tôi cho rằng yếu tố nguồn nhân lực, đội ngũ giáo viên phải được ưu tiên đầu tư nhiều nhất.

Theo đó cần tăng cường giáo viên người Nhật để đảm bảo cho các em được tiếp xúc với giáo viên bản ngữ nhiều hơn, tạo điều kiện tập huấn cho đội ngũ giáo viên trong nước tham gia các khóa học dài hạn để nâng cao trình độ.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ có chính sách cụ thể để tiếp tục duy trì và phát triển tiếng Nhật một cách bền vững như tăng dần số học sinh theo học tiếng Nhật hằng năm, đảm bảo nội dung giảng dạy có chất lượng. Học sinh nhà trường học tiếng Nhật sau khi tốt nghiệp THCS, có thể theo tiếp chương trình tiếng Nhật một cách có hệ thống ở cấp THPT và Đại học.

Tạo điều kiện cho các trường tăng cường giao lưu liên kết với các trường học tại Nhật Bản để học sinh có cơ hội du học hè, tìm kiếm các suất học bổng học phổ thông hoặc đại học những năm tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Từ Lương thực hiện

No comments:

Post a Comment